Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo “nút thắt” cho các dự án sử dụng đất

Trọng Ngôn| 21/10/2022 06:25

(HNM) - Nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất tại thành phố Hồ Chí Minh đang bị ách tắc, chậm triển khai do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút đầu tư và tiến trình phát triển đô thị. Do đó, thành phố Hồ Chí Minh đang quyết liệt thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các "nút thắt" này, khơi thông nguồn lực phát triển.

Một dự án nhà ở sử dụng quỹ đất lớn tại thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh).

Nhiều dự án bị ách tắc

Hiện, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra nghịch lý là quỹ đất khu vực trung tâm khan hiếm nhưng nhiều dự án có sẵn quỹ đất lại chưa thể triển khai. Chỉ riêng tại địa bàn quận 1 có tới 26 khu “đất vàng” dù đã được quy hoạch xây dựng công trình, nhưng... bỏ hoang nhiều năm nay, trong đó 15 khu đất bỏ trống, 11 khu đất đang xây dựng dang dở bị tạm dừng. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, nếu các công trình trên được xây dựng đúng quy hoạch, sẽ góp phần tạo diện mạo hiện đại, khang trang ở trung tâm thành phố.

Đơn cử, khu đất số 133 đường Nguyễn Huệ (quận 1) có diện tích 9.000m² hiện đang bỏ trống; khu đất số 87 đường Cống Quỳnh (quận 1) có diện tích 8.000m² hiện đang tạm dừng thi công… đều có vị trí đắc địa. Trong khi đó, khu đất số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng (quận 1) có diện tích hơn 6.000m² vừa được Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh bàn giao cho UBND thành phố quản lý, hiện cũng đang bỏ trống.

Nói về nguyên nhân nhiều khu “đất vàng” trên địa bàn bỏ trống nhiều năm, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết, các dự án ách tắc nằm ở vấn đề pháp lý và nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, có dự án bị vướng thủ tục pháp lý thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hồ Chí Minh, có dự án thuộc thẩm quyền ở cấp cao hơn. Theo tổng hợp của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, qua rà soát, nhiều dự án đầu tư sử dụng các khu đất trên hiện chưa có giấy phép xây dựng, một số dự án đang điều chỉnh giấy phép xây dựng, có dự án đang thực hiện kết luận thanh tra nên tạm dừng thi công.

Liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 1.989 công trình, dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất, trong đó có khoảng 260 dự án nhà ở được triển khai trên đất ở đô thị. Đến năm 2025, đối với đất ở đô thị, đất thương mại - dịch vụ, đất phát triển công nghiệp…, chỉ tiêu sử dụng đất dao động 450-85.000ha.

Trưởng phòng Quản lý đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) Võ Công Lực cho biết, khi lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025, sở đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Các sở, ngành, địa phương khi cung cấp số liệu, đề xuất nhu cầu sử dụng đất, đăng ký công trình... chưa xác định cụ thể kế hoạch triển khai.

Khẩn trương gỡ vướng

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng thông tin, để tháo gỡ các ách tắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sử dụng đất trên địa bàn, thành phố đã ủy quyền cho UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức quyết định thu hồi đất phù hợp với Luật Đất đai, tạo điều kiện thuận lợi rút ngắn thủ tục hành chính trong công tác thu hồi đất.

Đối với những vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quy chế để các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức phối hợp thực hiện. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm, thời gian thực hiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; qua đó giúp nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư. Đây là cơ sở để rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án có sử dụng đất.

Liên quan đến những ách tắc không thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Trung ương cho phép thành phố thí điểm xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trên cơ sở đó, UBND thành phố ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất. UBND thành phố cũng đề xuất làm rõ khái niệm “đất do Nhà nước trực tiếp quản lý” để có chế định quản lý, sử dụng đất đặc biệt, tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, việc quản lý về đất đai, môi trường được thành phố xem như vấn đề “sống còn” trong quá trình phát triển. Trên cơ sở xác định được các điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng nguồn lực quan trọng này, thành phố sẽ thực hiện thống nhất thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với luật khác về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì đề xuất thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo “nút thắt” cho các dự án sử dụng đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.