(HNM) - Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thu nợ và tỷ lệ nợ có xu hướng giảm qua các năm, nhưng đến nay, Hà Nội vẫn có tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cao, chiếm 9,5% kế hoạch thu.
Xác định rõ "nút thắt"
Theo bà Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội, để tạo thuận lợi cho người lao động, nhân dân tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH thành phố đã chủ động đào tạo, mở rộng mạng lưới đại lý thu. Đến nay, đã có 1.404 điểm thu của 643 đại lý với 1.819 nhân viên đại lý thu. Đại lý thu bao gồm UBND các xã, phường, thị trấn, hệ thống bưu điện, các trạm y tế, một số hội, đoàn thể như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân...
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam |
Mặc dù đối tượng tham gia BHXH, BHYT hằng năm không ngừng tăng, song doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT mới chỉ chiếm 50% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Trước thực trạng này, BHXH thành phố đã tập trung đánh giá, xác định số lao động, số doanh nghiệp thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT bắt buộc nhưng chưa thực hiện; lập dự toán, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng hằng năm cho cơ quan BHXH. Từ dữ liệu của cơ quan thuế, các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, đóng thuế mà chưa tham gia BHXH, BHYT cho người lao động đã được xác định rõ. Trên cơ sở đó, BHXH thành phố đã triển khai nhiều biện pháp thu nợ và đến hết tháng 8-2017, số tiền nợ BHXH đã giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2016, xuống còn 3.202,6 tỷ đồng (không bao gồm số tiền nợ của các đơn vị đã được xác định ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể). Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn 34.597 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền là 2.845,3 tỷ đồng, chiếm 88,8% tổng số tiền nợ, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 656.742 lao động. Đặc biệt, có tới 1.877 doanh nghiệp không còn lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH với số tiền nợ BHXH là 122,8 tỷ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo BHXH thành phố, xuất phát từ việc một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực sự gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và cũng có một số doanh nghiệp chây ỳ, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT hoặc đóng không đủ cho số lao động đang làm việc. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận người sử dụng lao động và người lao động về chính sách BHXH, BHYT còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức về số doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu, nhưng vẫn nợ BHXH, BHYT. Công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án đang gặp khó khăn do một số bất cập của Luật BHXH năm 2014...
Đề xuất tăng mức hỗ trợ
Hà Nội là địa phương có số tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng lớn nhất cả nước. Đây là khó khăn lớn cho công tác quản lý đối tượng và quản lý tiền chi trả các chế độ BHXH, BHYT. Đối mặt với thách thức này, BHXH thành phố đã chú trọng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện chi trả qua 2 hình thức gồm: thẻ ATM và hệ thống bưu điện. Đặc biệt, thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả thông qua hệ thống phần mềm "một cửa điện tử” đạt 97,02%.
UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo BHXH thành phố phân loại nợ doanh nghiệp theo ngành nghề kinh doanh; gửi công văn đến các doanh nghiệp có Chi bộ Đảng trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp; có văn bản đề nghị Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội phối hợp đôn đốc thu, thu nợ đối với các doanh nghiệp có Chi bộ Đảng trực thuộc; phối hợp với Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có văn bản đôn đốc thu nợ trực tiếp đến các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; xử lý nghiêm các đơn vị cố tình chây ỳ, nợ tiền BHXH kéo dài. Từ tháng 1 - 2016 đến nay, cơ quan BHXH đã hoàn thiện, bàn giao hồ sơ của 350 đơn vị nợ tổng cộng 313,1 tỷ đồng cho tổ chức Công đoàn để khởi kiện ra tòa án. Tổ chức Công đoàn đã chuyển hồ sơ sang tòa án khởi kiện đối với 63 đơn vị với số tiền nợ 65,5 tỷ đồng.
Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Thủ đô trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết, BHXH thành phố đã có một số đề xuất, kiến nghị. Trong đó có việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 hoặc ban hành văn bản để tháo gỡ vướng mắc trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án; đề nghị giao trách nhiệm cho bộ, ngành chức năng liên quan hằng năm thực hiện việc thống kê, công bố số doanh nghiệp đang hoạt động và số lao động thực tế đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, nhằm mở rộng đối tượng tham gia, BHXH thành phố đề xuất với HĐND TP Hà Nội hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi; đồng thời tăng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% lên 50% đối với đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp... có mức sống trung bình. Ngoài ra, BHXH thành phố cũng đề nghị cơ quan thuế chia sẻ, cung cấp thông tin về báo cáo quyết toán thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.