(HNM) - Giải quyết bài toán ùn tắc giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh hứa sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Trong đó giải pháp quan trọng được đưa ra là phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Cầu vượt Cát Lái. |
Sự thiếu đồng bộ của hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh dẫn đến những nút thắt cổ chai gây ùn tắc nghiêm trọng nhiều năm qua như ngã tư Hàng Xanh hướng vào khu vực trung tâm; ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất, vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình)… Với một thành phố gần 10 triệu dân nhưng không có đường trên cao hay tàu điện ngầm, trong khi hệ thống ngã ba, ngã tư dày đặc, đường và cầu lại không đồng bộ thì việc ùn tắc giao thông là dễ hiểu. Chưa kể khu vực nối trung tâm như quận Gò Vấp, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có một con đường duy nhất lại luôn trong tình trạng quá tải.
Sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cũng góp phần làm cho vấn nạn giao thông thêm tồi tệ. Các chuyên gia tính toán, với tốc độ tăng phương tiện như hiện nay, mỗi ngày 1.200 xe gắn máy và hơn 100 xe ô tô thì chỉ cần một xe gắn máy lưu thông chiếm 5m2 diện tích mặt đường, mỗi xe ôtô cần 20m2 thì sau một đêm, TP Hồ Chí Minh cần đến 8.000m2 mặt đường cho phương tiện mới đăng ký lưu thông. Như vậy, mỗi năm để giải quyết cho nhu cầu lưu thông của số phương tiện đăng ký mới, phải cần thêm gần 3.000.000m2 mặt đường, trong khi những năm vừa qua diện tích mặt đường hầu như không tăng đáng kể.
Với 3.800 con đường tổng chiều dài hơn 3.500km hiện nay, quỹ đất giao thông cũng chỉ đạt 5% (thấp so với tiêu chuẩn 22-24%).
Nhìn nhận khách quan, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã rất nỗ lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nhằm đẩy mạnh phát triển đô thị, cảng biển và các khu công nghiệp, kết nối với các khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ. Rõ nhất là các dự án đại lộ Đông Tây, cầu Phú Mỹ, đại lộ Nguyễn Văn Linh, tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (Tiền Giang) được đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả khi tạo được hành lang thông suốt cho các phương tiện đi từ các tỉnh ĐBSCL qua thành phố. Những tuyến đường nội đô trước đây như Trần Hưng Đạo, An Dương Vương đã được giải phóng và không còn quá tải như trước. Riêng với các dự án nhằm mở rộng TP Hồ Chí Minh về hướng Đông như cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức), liên tỉnh lộ 25B nối vào cảng Cát Lái, đặc biệt tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua quận 2, quận 9 là những công trình quan trọng nhằm giải phóng lưu lượng xe khỏi vào trung tâm và vận chuyển hàng hóa đi vào hệ thống cảng nhưng tiến độ những công trình này rất chậm.
Tại buổi thị sát các công trình này ngày 28-6 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ đạo quận 9 nhanh chóng bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 7 này để sớm khởi công tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đây là tuyến giao thông được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống đường giao thông khu kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời đẩy nhanh sự hình thành các khu đô thị vệ tinh như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Phú Mỹ, Xuân Lộc… Tại nút giao thông cầu Gò Dưa quận Thủ Đức, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng yêu cầu quận Thủ Đức đến ngày 31-2-2012 đưa nút giao thông này vào khai thác. Đây là nút giao thông quan trọng nhằm giải tỏa ùn tắc giao thông khu vực quận Thủ Đức, tuy nhiên 8 năm qua bị vướng một số thủ tục trong công tác đền bù giải tỏa, vừa qua UBND TP đã xem xét và quyết định điều chỉnh giá đền bù tái định cư cho bà con. Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết, đối với các công trình giao thông cần thiết nhưng thiếu vốn, thành phố sẽ ưu tiên cho hạ tầng giao thông đô thị nhằm giải quyết vấn đề nan giải liên quan đến ùn tắc giao thông, giảm thấp nhất các tai nạn giao thông. Chính phủ đã cho thành phố áp dụng một số cơ chế để tạo nguồn vốn cho các dự án hạ tầng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.