Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ từng bước

Khánh Khoa| 17/05/2014 07:31

(HNM) - Chiều 16-5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban với các sở, ngành, UBND các quận, rà soát, đánh giá việc triển khai Chỉ thị 01/CT-UBND về

Các công trình vi phạm xây dựng tại đường Vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) đã được kiểm tra, xử lý . Ảnh: Bá Hoạt



Tính đến ngày 10-5, toàn thành phố đã xử lý 1.066 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng như không phép, sai phép… cưỡng chế 393 trường hợp; ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường, hạ tầng kỹ thuật với số tiền 80.500.000 đồng. Đặc biệt, các địa phương đã chủ động kiểm tra, giám sát việc xây tại các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, các khu vực đã và đang thực hiện xây dựng đường giao thông theo quy hoạch, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, dứt điểm các công trình xây dựng siêu mỏng, siêu méo. Tại Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, UBND quận Đống Đa đã xử lý 50 trường hợp. Một số buộc phải thu hồi để xây dựng công trình công cộng…

Nhiều điểm bị tái lấn chiếm

Theo ông Lê Văn Dục - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tại, trên địa bàn thành phố có khoảng 209 tụ điểm chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cần giải tỏa và có phương án bố trí sắp xếp, các địa phương đã giải tỏa 97 tụ điểm chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, còn lại 112 tụ điểm chưa giải quyết hoặc tái phát, các quận phải tiếp tục thực hiện theo kế hoạch. Về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ông Lê Văn Dục nói, nhiều điểm đen ùn tắc, tai nạn đã được điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp, lắp bổ sung đèn tín hiệu, thực hiện phân luồng… Công an thành phố, Thanh tra giao thông phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, nhất là hiện tượng xe dù, bến cóc, với hơn 91.400 trường hợp bị xử lý, tổng số tiền phạt lên tới 25 tỷ đồng. Trong khi một nội dung quan trọng khác là xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn an toàn xã hội cũng đã hoàn thành cơ bản khung đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội" nhằm thực hiện xây dựng "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh", tạo chuyển biến trong giao tiếp ứng xử, nhất là trong văn hóa giao thông, công sở, nơi công cộng.

Tuy nhiên, đánh giá chung kết quả tổ chức thực hiện, ông Lê Văn Dục cho rằng chưa đạt được yêu cầu đề ra mặc dù công việc thực hiện khá nhiều. "Ở một số đơn vị việc triển khai chậm, nội dung không bám sát nhiệm vụ trong Chỉ thị 01, chưa chọn được nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nên kết quả hạn chế. Sở Xây dựng Hà Nội, cơ quan thường trực thực hiện Chỉ thị 01 mới nhận được báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT), Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng 4 quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông. Chúng tôi cho rằng phải chăng các quận làm chưa tốt, chưa nhiều nên chậm báo cáo?" - ông Lê Văn Dục nói.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoa nêu vấn đề, chính quyền chỉ mất 1-2 ngày ra quân là có thể xóa tụ điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nhưng để duy trì kết quả thì rất khó. Nhiều điểm "xóa" xong một thời gian là bị tái lấn chiếm. Vì vậy, quận đề nghị các phòng chức năng của thành phố cần có cơ chế hỗ trợ quận và chính quyền địa phương. Bổ sung thêm, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Kim Vinh đề nghị, nên bố trí trong quy hoạch mạng lưới chợ để xóa các điểm chợ cóc, chợ tạm. Đây là việc rất khó, lực lượng chức năng vừa đi khỏi là người dân lại kéo ra bán hàng, muốn giải tỏa phải có địa điểm mới bố trí họp chợ.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hoa, mái che, mái vẩy đã có quy chuẩn, chính quyền dễ xử lý, nhưng mái hiên di động thì lại chưa có quy định cụ thể nên thực tế vẫn tuyên truyền vận động là chính mà chưa "cưỡng chế". Đồng tình với kiến nghị này, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Phong Cầm cũng đề nghị thành phố cho hướng dẫn cụ thể để địa phương xử lý. Về vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở GTVT Nguyễn Hoàng Giáp cho rằng: Trong thuật ngữ chỉ có mái che, có thể hiểu bao gồm cả mái che di động và không di động, có thể xử phạt. Nhưng cũng như đỗ xe trên phố, cần làm rõ đường nào, phố nào được làm mái hiên di động vì việc này xuất phát từ nhu cầu của người dân.

"Chốt" lại vấn đề, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng nêu, đây là bất cập của chính sách, nhiều ngành, nhiều cấp quản nhưng lại không quản được. Xung quanh vỉa hè, hai ngành xây dựng, giao thông đều có quyền, hàng loạt văn bản được ban hành, nhưng cuối cùng không xử lý được, rõ ràng đây là việc cần tháo gỡ từng bước.

Chọn vấn đề,xử lý triệt để

Chỉ thị 01 thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" có thể nói mang nội dung khá rộng, liên quan đến nhiều vấn đề nêu tại cuộc họp giao ban, các địa phương cũng nêu nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Đơn cử như việc chỉnh trang đô thị, hạ ngầm đường cáp đi nổi, quận Hoàn Kiếm sử dụng vốn ngân sách thực hiện nhưng khi kiểm toán, cơ quan kiểm toán yêu cầu chấn chỉnh vì về nguyên tắc vốn ngân sách không chi cho việc này mà thuộc về các doanh nghiệp sử dụng đường dây. Hay việc quét, rửa đường, nhiều địa phương đề nghị xem lại quy trình vì đã rửa đường thì phải rửa cả hè, vệ sinh cả rãnh hai bên đường mới bảo đảm vệ sinh. Các địa phương cũng đề nghị, có quy định cụ thể, thống nhất về biển hiệu, quảng cáo… trên các tuyến phố chính, xuyên tâm. Trong khi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị các quận, huyện phối hợp với Sở chặt chẽ hơn. Đại diện Sở này cho rằng, rất khó quản lý quảng cáo ngoài trời vì lợi nhuận lớn, nhiều đơn vị quảng cáo bất chấp quy định. Thậm chí băng rôn, khẩu hiệu sau khi tuyên truyền không dỡ bỏ, gây nhếch nhác, mất mỹ quan.

Đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, song Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cũng yêu cầu phải duy trì công việc thường xuyên, kiên trì, bền bỉ; đòi hỏi nhiều giải pháp vận động, xử lý, chấn chỉnh; bảo đảm đô thị văn minh, hiện đại nhưng cũng bảo đảm an sinh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Ông Hùng nói, các ngành vẫn còn những vướng mắc trong thực hiện, công tác quản lý đan xen, chồng chéo, đường một cơ quan quản, hè một cơ quan quản… vì vậy cần tập trung chọn một số việc để quyết tâm xử lý triệt để, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng. Các vấn đề nổi cộm, lực lượng chủ công thực hiện là các quận, huyện, đề nghị các quận, huyện đưa ra một số nội dung cụ thể, cùng thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, công an để xử lý các vấn đề vướng mắc.

Đối với các ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng giao Sở GTVT duy tu, duy trì, sơn, kẻ, tổ chức lại giao thông trên các tuyến điểm; Thanh tra giao thông căn cứ vào quy định pháp luật để xử lý mái che, mái vẩy. Tuy nhiên, các quận có trách nhiệm hướng dẫn, quy định để bảo đảm mỹ quan đô thị tại một số tuyến phố. Trên vỉa hè, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Sở GTVT xử lý biển báo, quảng cáo cột đã có cam kết dỡ bỏ. Riêng 78 biển quảng cáo tấm lớn không phù hợp, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Xây dựng, Thanh tra xây dựng dỡ bỏ. Với băng rôn, khẩu hiệu treo trên các tuyến đường cần quy định cách treo, thời gian treo; không dỡ đúng thời hạn, treo không đúng quy cách thì phải phạt.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, kiểm tra, chỉ đạo cắt tỉa cây xanh gãy, nguy hiểm, khắc phục cột đèn chiếu sáng nghiêng; cắt đường dây không bảo đảm an toàn, gây mất mỹ quan. Công khai kế hoạch rửa đường nhưng không được rửa vào giờ đi làm, giờ tan tầm.

Liên quan đến đề xuất gây tranh cãi cho đỗ xe dưới lòng đường ở hai tuyến phố Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoa tiếp tục kiến nghị thành phố cho triển khai sớm. "Việc này các cơ quan, nhân dân đều ủng hộ. Nếu giải quyết được chỗ đỗ xe thì sẽ tập trung xử lý được tình trạng dừng, đỗ xe bừa bãi khu vực xung quanh" - ông Hoa nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ từng bước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.