Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ “nút thắt” trong xây dựng nhà ở

Việt Tuấn| 25/09/2013 06:45

(HNM) - Tình trạng nhà không phép tràn lan ở TP Hồ Chí Minh do nhiều nguyên nhân như cách làm quy hoạch quá cứng, dễ dẫn đến khi bức xúc về nhu cầu nhà ở nên người dân buộc phải xây liều; cán bộ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sợ xảy ra sai sót, quá cẩn trọng…

Một ngôi nhà xây dựng trái phép tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.



Theo thống kê của Sở Xây dựng, 9 tháng đầu năm 2013, TP Hồ Chí Minh có 3.034 trường hợp vi phạm xây dựng nhà không phép, sai phép, trong đó 1/3 trường hợp vi phạm là dân từ các tỉnh khác đến. Các cơ quan chức năng và UBND các quận, huyện đã vào cuộc, xử lý được 2.596 trường hợp (đạt tỷ lệ 85,6%), còn lại 438 trường hợp đang tiếp tục phối hợp xử lý. Việc xây dựng nhà không phép, sai phép tập trung nhiều ở các quận, huyện như Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp, quận 9... Đặc biệt, ở hai huyện Bình Chánh và Hóc Môn, do nhu cầu bí bách về nhà ở nên người dân đã xây dựng trên đất nông nghiệp, vướng vào quy hoạch; có hộ phù hợp với quy hoạch nhưng diện tích tách thửa lại không phù hợp với quy định; nhiều hộ dân xin cấp xây dựng một căn nhưng chia nhiều căn để bán. Nhiều trường hợp lách luật, xin phép xây dựng nhà trọ nhưng sau đó viết giấy tay bán các phòng trọ đã xây.

Nguyên nhân sâu xa, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đoàn Nhật, là do cách làm quy hoạch hiện nay quá cứng, dễ dẫn đến khi bức xúc về nhu cầu nhà ở nên người dân buộc phải xây liều. Những diện tích đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư mà chưa có nhà, dù không phù hợp hay phù hợp với quy hoạch, nhưng nếu người dân có nhu cầu cấp bách về nhà ở thì nên cấp giấy chứng nhận đất ở, giải quyết cấp phép xây dựng cho họ, khi nào thực hiện dự án theo quy hoạch thì đền bù cho dân.

Còn Phó Chủ tịch UBND quận 9 Đặng Hồng Liên thì cho hay, tại quận 9 có hai dạng xây nhà không phép. Đó là người dân có đủ điều kiện để được cấp phép (phù hợp quy hoạch, có giấy tờ nhà đất) nhưng lại tự ý xây dựng mà không xin phép và người dân mua đất nông nghiệp, xây dựng nhà ở. Tâm lý người dân cho rằng, xây xong rồi sẽ được hợp thức hóa nên mới xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tràn lan và đa số là của người lao động nghèo, nhập cư, không phải của dân địa phương. Chính quyền quận 9 cũng rất đắn đo với những trường hợp này, nếu không xử lý thì không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng xử lý thì lại đánh vào dân nghèo. Một thực tế khác, cán bộ một số địa phương được giao thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn lúng túng, có tâm lý e ngại, né tránh trách nhiệm do sợ xảy ra sai sót, nên cẩn trọng quá, khiến không thực hiện đúng với chỉ đạo của UBND thành phố.

Trước những bất cập trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cho hay, thành phố chỉ tạo điều kiện cho người dân sở tại đang sử dụng đất chứ không giải quyết tràn lan cho những người nhận chuyển nhượng, kinh doanh để trục lợi. UBND thành phố đã giao trách nhiệm cho Sở Xây dựng chủ trì, trực tiếp xuống địa bàn để hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác cấp phép xây dựng cho địa phương trong thời gian tới; đồng thời yêu cầu UBND các quận, huyện rà soát lại từng trường hợp cụ thể, nếu trường hợp người dân địa phương có đất nông nghiệp và bức xúc về chỗ ở thì vẫn được xem xét cấp phép xây dựng và tách thửa, khi nào thành phố có quy hoạch chuyển mục đích sử dụng đất sẽ bồi thường. Đối với những trường hợp từ nơi khác đến xây dựng không phép thì phải kiên quyết xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ “nút thắt” trong xây dựng nhà ở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.