(HNM) - Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được thực hiện, đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận
Ngành chăn nuôi còn ít cơ sở giết mổ bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, công nghệ chế biến và bảo quản đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Linh Ngọc |
Những thách thức nội tại
Báo cáo về tác động của hội nhập kinh tế đối với ngành chăn nuôi của Hội Chăn nuôi Việt Nam đã chỉ ra những thách thức rất lớn và gay gắt. Hộ chăn nuôi nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ cao, chăn nuôi trang trại khiêm tốn về quy mô, tỷ lệ đầu tư công nghệ cao không bao nhiêu. Doanh nghiệp chăn nuôi quá ít, quy mô nhỏ, lượng vốn đầu tư rất thấp. Năm 2013, cả nước có 393 doanh nghiệp chăn nuôi, kể cả doanh nghiệp kinh doanh kết hợp trồng trọt và chăn nuôi hay tham gia làm dịch vụ chăn nuôi, chiếm 23,1% tổng số doanh nghiệp ngành nông - lâm - thủy sản.
Một trong những thách thức đối với ngành chăn nuôi là năng suất lao động thấp. Một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ có 1 lao động, còn ở Việt Nam là 15-20 lao động. "Đầu vào" của ngành chăn nuôi phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài. Hầu hết các giống bò, lợn, gia cầm cao sản nước ta đều phải nhập từ Mỹ, Canada, Pháp… Năm 2014, Việt Nam đã nhập 11,7 triệu tấn nguyên liệu để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm. Có tới 90% nguyên liệu thức ăn giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột thịt - xương, bột cá phải nhập khẩu; riêng khoáng, vi lượng phải nhập gần như 100%. 80% các loại vắc xin đang lưu hành tại Việt Nam cũng được nhập từ 17 quốc gia. Ngành chăn nuôi có quá ít cơ sở giết mổ bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y và thiếu công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm. Việc quản lý chất lượng thực phẩm còn nhiều hạn chế. Liên kết chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi còn yếu, chưa giảm được khâu trung gian nên giá thành sản xuất còn cao.
Mặt khác, cơ chế tín dụng chưa hợp lý đang gây khó cho chăn nuôi. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, song hộ chăn nuôi vẫn khó tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng. Chăn nuôi trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi đang rất vướng về cơ chế thế chấp tài sản. Lãi suất ngân hàng với ngành chăn nuôi đang quá cao. Trong khi, lãi suất cho vay chăn nuôi ở nhiều nước Âu - Mỹ chỉ khoảng 0,5-1%, ở Thái Lan chỉ khoảng 3%, Trung Quốc là 5% thì ở Việt Nam, lúc cao nhất lãi suất lên tới 20%, sau nhiều lần giảm hiện còn 7-8%. Điều này góp phần làm cho giá thành chăn nuôi ở nước ta luôn cao hơn, giảm khả năng cạnh tranh của ngành.
Cơ hội "vàng" cho chủ động cạnh tranh
Tham gia TPP, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng thách thức cùng cơ hội luôn đan xen, nếu biết nắm bắt, tận dụng cơ hội có thể vượt qua thách thức. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, TS Đoàn Xuân Trúc, tham gia TPP, ngành chăn nuôi sẽ tiếp cận nhanh hơn các khoa học - công nghệ, giống vật nuôi và sản phẩm mới cũng như các phương thức sản xuất tiên tiến. Khi thuế suất về 0%, ngành chăn nuôi sẽ được hưởng lợi khi nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống, trang thiết bị từ các nước đối tác góp phần giảm chi phí đầu vào. Hội nhập quốc tế, ngành chăn nuôi nước ta về lâu dài có thể xuất khẩu thành phẩm có lợi thế như thịt lợn và sản phẩm thịt lợn sang vùng Đông Bắc Á, Đông Âu; trứng vịt muối sang một số nước ASEAN và Nam Á, mật ong sang Mỹ, Châu Âu… cũng như sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư mới, công nghệ cao thúc đẩy làn sóng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong chăn nuôi.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, TPP là hiệp định cao nhất với cam kết xóa bỏ thuế quan về 0% nhưng có lộ trình với Việt Nam. Ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm (kể từ năm 2015) để chuẩn bị trước khi sức ép của cuộc chơi mới thực sự tác động. Đây là cơ hội "vàng" về thời gian để ngành này đẩy nhanh tái cơ cấu, nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, hạ giá thành các sản phẩm thịt, trứng, sữa, kể cả các sản phẩm có lợi thế như giống bản địa, lợn cắp nách, gà đồi, vịt chạy đồng…
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: TPP vừa ký xong với 12 nước đã thỏa thuận, theo dự kiến 1-2 năm tới sẽ chính thức được triển khai. Chăn nuôi được đánh giá là ngành chịu nhiều rủi ro, thách thức, đặt ra cho chúng ta một trong những việc hết sức quan trọng là có nhận thức đầy đủ về TPP, tìm ra "nút thắt" đang mắc lâu nay để có giải pháp tháo gỡ. Thời gian gần đây, chăn nuôi của Việt Nam luôn có tăng trưởng dương. Trong vòng 2 năm nay chăn nuôi có tăng trưởng khá, đặc biệt 10 tháng của năm 2015, các sản phẩm đều tăng hơn cùng kỳ năm ngoái, có những sản phẩm tăng tới 1,5 lần. Như vậy, ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển đúng theo chủ trương tái cơ cấu ngành và là cơ sở để chúng ta bình tĩnh ứng phó, chủ động chấp nhận sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, công khai ngay trên sân nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.