Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ nút thắt

Lâm Quang Thụ| 01/09/2011 06:49

(HNM) - Cuộc họp bàn chuyên đề xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của cấp trên, được cán bộ đảng viên ở chi bộ thôn Nam bàn bạc sôi nổi.


- Theo tiêu chí thì làng ta bảo đảm: Có bề dày truyền thống cách mạng; xưa được mệnh danh làng khoa bảng, hiếu học; đời sống kinh tế tuy thuần nông nhưng biết đa canh nên không đến nỗi nhé. Hạ tầng kỹ thuật cũng lại tương đối hoàn chỉnh, đường làng ngõ xóm khá ra phết đấy chứ…

- Nhưng có một tiêu chí nữa ta chưa đạt, đấy là môi trường. Nếu không tìm cách "bẩy" mấy cái đống rác ngồn ngộn giữa làng kia và không đưa mấy trang trại chăn nuôi ra khu đồng riêng thì rồi rãnh thoát nước ở các khu dân cư chả ai ngửi được. Mấy năm trước có thế đâu! Đã gọi là nông thôn mới thì môi trường phải lành mạnh, sạch sẽ, văn minh. Mà văn minh đi cùng an sinh xã hội chính là đích đến, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từ đó mới bảo đảm tốt hơn. Nông thôn mới thế mới là thực chất chứ!

Xem ra, các ý kiến tranh luận đều có lý, có tình. Nhưng biện pháp cụ thể như thế nào, thì còn lúng túng. Nhìn rộng ra thì thấy, khó khăn đó không của riêng thôn Nam. Phong trào xây dựng nông thôn mới hiện đang được khơi dậy ở tất cả các miền quê trong cả nước và kỳ vọng sẽ đem lại một nông thôn giàu đẹp cho hàng triệu hộ nông dân. Thế nhưng khi triển khai thực hiện, đã và đang "mắc" không ít vấn đề. Cái nhìn thấy rõ hơn cả là, các tiêu chí đề ra không thể cứ chiểu theo đó mà áp đặt chung cho các vùng nông thôn, vừa không đạt hiệu quả, vừa lãng phí, tốn kém tiền của. Vì mỗi nơi, mỗi vùng nông thôn có những đặc trưng, điều kiện khác nhau; nghĩa là xuất phát điểm để thực hiện các tiêu chí không như nhau. Vậy thì rất cần phải lựa chọn xem việc gì cần ưu tiên trước để có sự đầu tư hiệu quả.

Vậy là chi bộ thôn Nam đã lựa chọn và tập trung vào việc cụ thể là phát triển chăn nuôi tập trung và giải quyết vấn đề môi trường. Một nghị quyết chuyên đề được ban hành với sự lãnh đạo chỉ đạo rõ rệt: Thành lập tổ vệ sinh môi trường của thôn, làm nhiệm vụ thu gom rác thải sau đó chuyển ra khu tập kết chung của xã. Các hộ dân nêu cao ý thức, đóng góp lệ phí môi trường. Thôn dành quỹ đất, đề nghị xã sớm quy hoạch thành khu chăn nuôi tập trung để bảo đảm vệ sinh môi trường cho khu dân cư.

Thế là nút thắt khó đã được gỡ. Nghị quyết sau đó được triển khai thực hiện hiệu quả. Theo thôn Nam, nhiều địa phương khác cũng xác định khâu trọng tâm cần đầu tư trước, từ đó tạo được đột phá riêng để phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ nút thắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.