Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ ngay từ khâu cán bộ

Nguyễn Mai| 19/12/2014 06:54

(HNM) - Hà Nội vẫn còn khoảng 1.000ha chưa thực hiện xong dồn điền, đổi thửa. Tuy diện tích còn lại chỉ chiếm 1,32%, nhưng đều là các điểm rất khó khăn, phức tạp, nhiều nơi trở thành

Đó là nội dung được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết 4 năm Tổ công tác giúp việc BCĐ Chương trình 02 của Thành ủy diễn ra tại Ba Vì ngày 17-12.

Làm rõ nguyên nhân

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện thành phố còn khoảng 1.000ha chưa DĐĐT theo kế hoạch, tập trung chính tại 4 huyện: Quốc Oai 795,6ha thuộc 6 xã (Tuyết Nghĩa, Cộng Hòa, Yên Sơn, Đồng Quang và Ngọc Liệp); huyện Đông Anh 488ha nằm ở 4 xã (Thụy Lâm, Vân Hà, Liên Hà và Dục Tú); huyện Ứng Hòa 385,6ha nằm ở 4 xã (Viên An, Vạn Thái, Phương Tú, Viên Nội) và Hoài Đức 301,5ha. Trong đó, một số địa phương vẫn còn vướng mắc, khiếu kiện vượt cấp, người dân chưa nhận ruộng, thậm chí một số địa phương nhân dân bỏ ruộng hoang không sản xuất.

Thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa sẽ khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất để nâng cao giá trị cây trồng. Ảnh: Bảo Lâm


Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này trước hết nằm ở khâu cán bộ. Như Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đã nhận định: Công tác DĐĐT là một việc làm rất khó, đòi hỏi cán bộ trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phải có tâm huyết, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương thì cán bộ làm công tác DĐĐT đều là cán bộ kiêm nhiệm, năng lực chuyên môn chưa phù hợp với công việc được giao. Do thiếu hụt về năng lực chuyên môn, trong khi khối lượng công việc lại lớn; từ xây dựng phương án, kế hoạch triển khai, tổ chức tuyên truyền, họp ở nhiều cấp, đo đạc, lên bản đồ, gắp thăm, chia đất, cấp hồ sơ giấy tờ…, nên cán bộ ở một số địa phương ngại, có nơi đã đăng ký rồi nhưng lại xin để lại. Thực tế tại các xã: Cộng Hòa, Yên Sơn và Đồng Quang (huyện Quốc Oai); thôn Hậu Xá, xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa); thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ); xã Thụy Lâm, Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú (huyện Đông Anh) là những ví dụ điển hình... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vẫn còn hạn chế, người dân chưa thấy được ích lợi của công tác DĐĐT. Một số ít nông dân lợi dụng việc DĐĐT đòi thực hiện một số việc trái với quy định như: Chia ruộng lại, san gạt mặt ruộng, ép cán bộ địa phương phải xử lý một số sai phạm về đất đai từ những năm trước đây mới thực hiện DĐĐT, đơn cử như sự việc tại đội 6 xã Hòa Bình, thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín)... Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cũng chỉ ra rằng: "Một số nơi cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, lồng ghép quyền lợi cá nhân nên thiếu công khai, minh bạch trong thực hiện như xã Viên An (huyện Ứng Hòa); thậm chí có nơi nội bộ cán bộ đảng viên trong thôn mâu thuẫn đã lợi dụng DĐĐT để gây mất đoàn kết nội bộ"...

Không thể "đứng trên trời" để chỉ đạo

Báo cáo về vướng mắc trong công tác DĐĐT ở thôn Chi Lai, xã Đồng Thái, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hưng cho rằng, tuy vướng mắc đã lâu nhưng xã và thôn không báo cáo lên huyện, vì vậy mà huyện chậm nắm được thông tin. Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái thẳng thắn phê bình: "Vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn mà Phòng Kinh tế huyện không nắm được, trong khi các cơ quan báo đài đã đưa tin rất nhiều thì làm sao tham mưu được cho ủy ban huyện giải quyết?! Thực tế, việc DĐĐT của xã chưa đúng theo quy trình, có dấu hiệu trục lợi cá nhân dẫn đến người dân khiếu kiện khắp nơi mà huyện không nắm được thì không thể chấp nhận được".

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, ở đâu cán bộ có trình độ, tâm huyết với công việc thì ở đó, phong trào tốt và người dân được hưởng lợi rất nhiều. Nhắc lại việc tháo gỡ khó khăn trong DĐĐT ở các "điểm nóng" vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dẫn chứng: Xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm cũng từng là một "điểm nóng" trong DĐĐT. Khi biết thông tin, BCĐ Chương trình 02 đã cử cán bộ xuống tận thôn cùng dự họp dân với chính quyền địa phương để tìm hiểu nguyên nhân nhờ vậy đã tìm ra hướng giải quyết thấu đáo. Chỉ sau hai ngày tháo gỡ, người dân đã nhận ruộng ổn định sản xuất. Điều đó cho thấy, cán bộ phải gần dân, sát dân để kịp thời chỉ đạo những khó khăn vướng mắc chứ không thể chỉ "đứng trên trời" để chỉ đạo.

Về những giải pháp hoàn thành chương trình DĐĐT trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái yêu cầu các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố trong thực hiện Chương trình 02. Sở NN&PTNT cần tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch DĐĐT tại các huyện, thị xã, phấn đấu hoàn thành công tác DĐĐT trong tháng 12-2014...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ ngay từ khâu cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.