(HNMO) - Sáng 7-7, tiếp tục ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố Hà Nội tái chất vấn tại hội trường về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố đã được chất vấn tại kỳ họp thứ ba và các dự án được HĐND thành phố giám sát trong thời gian qua. Nhóm vấn đề này mặc dù đã được chỉ đạo, tổ chức triển khai khắc phục, thế nhưng kết quả còn chưa cao, chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhiều dự án còn chậm triển khai ở nhiều loại hình công trình, ở cả vốn đầu tư công, vốn ODA và vốn ngoài ngân sách, gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
17/32 biên bản ghi nhớ chưa được thực hiện
Báo cáo về thực hiện kết luận của chủ tọa phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nhìn chung kết quả triển khai có những tín hiệu tích cực nhờ các chính sách mở cửa kinh tế của Chính phủ sau khi kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19.
Tuy nhiên, hiện nay, còn tồn tại 17/32 biên bản ghi nhớ chưa được thực hiện, quy mô vốn tương ứng 7,095 tỷ USD trong tổng số 15,172 tỷ USD các biên bản ghi nhớ có vốn đầu tư nước ngoài đã ký, chiếm 46,76%. Nguyên nhân chủ yếu là do: Dự án đã thực hiện ký biên bản ghi nhớ nhưng sau khi nghiên cứu, đánh giá, phân tích thị trường, chưa rõ hiệu quả nên nhà đầu tư chưa triển khai, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát; việc lập hồ sơ đề xuất, triển khai các thủ tục tiếp theo của các nhà đầu tư còn chậm; theo quy định hiện hành, các biên bản ghi nhớ không phải là cơ sở để xác định chủ đầu tư khi triển khai dự án, do vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đã ký biên bản ghi nhớ phải tuân thủ đúng các quy định về đầu tư, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai.
Cùng với đó, chi phí hạ tầng và giải phóng mặt bằng tại Hà Nội cao hơn nhiều so với các tỉnh khác; giá thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp còn cao so với các địa phương lân cận (gấp 1,5 - 2 lần) khiến chi phí đầu tư ban đầu của nhà đầu tư lớn, không tạo được lợi thế cạnh tranh so với các vùng lân cận.
Hai nhà máy xử lý rác chưa hoàn thành, nguyên nhân, trách nhiệm và tiến độ
Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu: Nguyễn Nguyên Quân (tổ đại biểu thị xã Sơn Tây), Nguyễn Minh Tuân (tổ đại biểu huyện Phú Xuyên) nêu, 2 dự án Nhà máy Xử lý rác thải Châu Can (huyện Phú Xuyên) và Nhà máy Xử lý rác thải Núi Thoong (huyện Chương Mỹ) khu vực phía Nam Thủ đô chậm tiến độ, lý do vì sao? Dự án trục phía Nam Hà Tây (Cienco) được triển khai từ năm 2007 với tổng chiều dài 41,5km với điểm đầu giao với đường Phúc La - Văn Phú (Hà Đông), điểm cuối giao với quốc lộ 1A cũ (huyện Phú Xuyên) nhưng vẫn chưa hoàn thành, cử tri muốn biết nguyên nhân, trách nhiệm và tiến độ bao giờ hoàn thành dự án?
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, đối với Nhà máy Xử lý rác thải Núi Thoong, nguyên nhân chậm triển khai là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đến nay, huyện Chương Mỹ mới hoàn thành xong công tác này. Hiện, chủ đầu tư đang có văn bản xin điều chỉnh nâng công suất của nhà máy, song đề xuất này chưa phù hợp với quy hoạch chung về quản lý rác thải của Chính phủ. Hiện tại, các sở, ngành đang kiến nghị UBND thành phố xem xét điều chỉnh, nếu không phù hợp đề nghị thu hồi dự án.
Đối với Nhà máy Xử lý rác Châu Can, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, hiện dự án chưa tiến hành giải phóng mặt bằng, chưa lựa chọn được công nghệ xử lý, năng lực của chủ đầu tư hạn chế… khiến công tác thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, theo quyết định được phê duyệt thì diện tích xây dựng không bảo đảm để thực hiện dự án, cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường cho khu vực xung quanh. Hiện, các đơn vị có liên quan đang tiến hành rà soát, kiểm tra, nếu không đáp ứng được các quy định đề ra thì đề nghị thu hồi dự án.
Trả lời thêm về dự án xử lý rác thải, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, đối với Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, dự án bắt đầu đốt rác thử nghiệm từ tháng 5-2022. Đối với Nhà máy Xử lý rác thải Châu Can, UBND thành phố giao chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Môi trường Thăng Long với công suất 500 tấn với diện tích đất 5ha, dự án được điều chỉnh phê duyệt quy hoạch, với diện tích 20ha, công suất dự kiến 1.000 tấn.
“Về quy hoạch và công suất phù hợp với quy định, tuy nhiên, trong trường hợp nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét thu hồi, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án này”, đồng chí Võ Nguyên Phong đề xuất.
Ở khu vực Núi Thoong, Công ty cổ phần Môi trường Xuân Mai đề xuất nâng công suất từ 450 tấn lên 2.000 tấn, Sở Xây dựng đã làm việc Bộ Xây dựng, đề nghị xem xét trong trường hợp cần thiết có thể cập nhật quy hoạch theo đề xuất chủ đầu tư. Tuy nhiên, khu vực này địa chất chưa ổn định, người dân đã phản ánh đề nghị chưa thực hiện dự án nên việc điều chỉnh quy hoạch cũng cần xem xét.
Làm rõ thêm về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, về dự án Nhà máy Xử lý rác thải Châu Can, thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư và giao Công ty Môi trường đô thị Thăng Long từ năm 2015 và đã xác định ranh giới giải phóng mặt bằng, nhưng đơn vị chưa triển khai.
“Đây cũng là đơn vị trước đây cũng làm chủ đầu tư Nhà máy Điện rác Seraphin tại khu xử lý Chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét kỹ năng lực của nhà đầu tư này và thể hiện rõ quan điểm nếu không thực hiện sẽ thu hồi để kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư công”, đồng chí Nguyễn Trọng Đông đề nghị.
Đối với Nhà máy Xử lý rác thải Núi Thoong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, dự án này thành phố giao đất cho chủ đầu tư với diện tích 10ha và được cấp sổ đỏ với quy mô 500 tấn ngày đêm. Để triển khai nhà máy xử lý rác thải phát điện thì công suất này hơi nhỏ và nhà đầu tư đề xuất nâng quy mô lên 2.000 tấn. Thành phố cơ bản thống nhất và giao cho các sở, ngành xem xét đầu tư để nâng công suất trong đó có thể điều chỉnh quy hoạch.
Đối với vấn đề địa hình, trước đây, do rác chôn lấp nên sẽ gây nguy cơ sụt lún còn nếu xây dựng nhà máy hiện đại sẽ không bị ảnh hưởng bởi địa hình. Vì thế, Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành đơn vị liên quan sớm có kế hoạch triển khai và trong 1 tháng nữa phải có báo cáo đề xuất với UBND thành phố.
Trả lời chất vấn về đường trục phía Nam vẫn còn 23km nữa chưa triển khai được, Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông thành phố Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án có quy mô đường rộng mặt cắt 40m, chiều dài toàn tuyến là 41,5km; đã triển khai thi công được 20,5km, còn 23km chưa triển khai thi công. Trong quá trình thực hiện xảy ra mâu thuẫn tranh chấp giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện dự án, kéo dài trong 3 năm qua, đến nay, 2 doanh nghiệp vẫn không thống nhất và dự án vẫn đang đình trệ không triển khai thi công. “Vấn đề mấu chốt là giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện dự án”, ông Nguyễn Chí Cường cho biết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho rằng, dự án đầu tư đường trục phía Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, nhận được sự quan tâm của cử tri. Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận Tổng công ty cổ phần Công trình giao thông 5 (Cienco 5) phải nộp vào ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng, đến nay, đơn vị mới nộp vào ngân sách được gần 600 tỷ đồng, số tiền còn lại vẫn đang có tranh chấp. Hiện, thành phố đang tiến hành kiểm tra, dự kiến ngày 15-7, Thanh tra thành phố sẽ tiến hành rà soát các kết luận của Thanh tra Chính phủ, đến tháng 9-2022, sẽ triển khai làm rõ các vướng mắc tại dự án.
Vì sao dự án nông nghiệp chậm triển khai?
Quan tâm đến các dự án liên quan đến nông nghiệp chậm triển khai, các đại biểu: Phạm Hải Hoa (tổ đại biểu huyện Mỹ Đức), Lê Minh Đức (tổ đại biểu huyện Thạch Thất), Nguyễn Thanh Bình (Tổ đại biểu quận Tây Hồ) chất vấn UBND thành phố và sở chuyên ngành vì sao Dự án tưới tiêu, thoát nước, trạm bơm Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), Trạm bơm Yên Nghĩa (quận Hà Đông) triển khai chậm? Siêu dự án sông Hồng City (quận Tây Hồ) được phê duyệt từ năm 1995 đến nay vẫn để quây tôn; Dự án 148 Giảng Võ (quận Ba Đình) sau nhiều năm phê duyệt vẫn để không? Dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc số 31, 31, 35 phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), HĐND thành phố đã nhiều lần giám sát, đưa vào danh sách chậm triển khai nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, vậy trách nhiệm của các đơn vị có liên quan như thế nào?
Về nguyên nhân chậm tiến độ dự án xây dựng Trạm bơm Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, dự án chậm tiến độ 6 tháng so với phê duyệt của thành phố. Nguyên nhân do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng tại quận Hà Đông là 370.000m2, hiện còn 145.000m2 của 593 hộ thuộc phần hạ tầng kỹ thuật chưa bàn giao do xác định nguồn gốc đất gặp khó khăn. Dự án tạm dừng thi công từ cuối năm 2019 đến nay, ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát nước của hệ thống.
Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cam kết, trong năm 2022, sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho dự án này. Hiện nay, còn 10,24ha liên quan đến 487 tổ chức, hộ gia đình chưa giải phóng mặt bằng xong. Hết năm 2022, nếu các hộ không đồng tình, quận sẽ có kế hoạch thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, nguyên nhân khiến dự án chậm, trách nhiệm thuộc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Hoài Đức và nhất là quận Hà Đông.
Trả lời chất vấn về dự án Trạm bơm Liên Mạc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, trạm bơm này có nhiệm vụ tiêu thoát nước từ nội đô và các huyện Đan Phượng, Hoài Đức; lấy nước tưới từ sông Hồng cung cấp cho hệ thống sông Nhuệ (gồm các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa…). Dự án này giao cho Ban Quản lý công trình hạ tầng nông thôn làm chủ đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ được giao nhiệm vụ xây dựng chủ trương đầu tư. Hiện, Sở đã chuyển sang Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để UBND thành phố phê duyệt. Đây là dự án quan trọng, mong sớm triển khai thi công.
Trả lời rõ về 2 dự án ở 148 Giảng Võ và 35 Lý Thường Kiệt
Làm rõ thêm về 2 dự án ở 148 Giảng Võ (quận Ba Đình) và 35 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh cho biết, Dự án 148 Giảng Võ đã được phê duyệt quy hoạch từ năm 2016; đến năm 2019 có quyết định thu hồi chủ trương đầu tư. Năm 2021, Hà Nội đã phê duyệt phân khu nội đô. Đây là căn cứ quan trọng làm cơ sở pháp lý để có thể tiếp tục nghiên cứu quy hoạch và trình duyệt Dự án 148 Giảng Võ theo hướng phải giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh; giảm 2 tòa nhà; giữ nguyên chỉ tiêu cây xanh, trường học...
Về công trình 31, 33, 35 phố Lý Thường Kiệt, thành phố đã giao nhiệm vụ thiết kế đô thị cho quận Hoàn Kiếm. Quy hoạch phân khu khẳng định công trình này là công trình đô thị công cộng 8 tầng, với mật độ xây dựng 60%. Theo Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, đây là dự án kéo dài, phải qua rà soát.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, khu đất 148 Giảng Võ (quận Ba Đình) đã có chủ trương đầu tư chuyển đổi đầu tư làm trung tâm dịch vụ thương mại văn hóa được Chính phủ phê duyệt và gắn với chủ trương đầu tư trung tâm triển lãm, khu đô thị mới ở huyện Đông Anh. Vừa qua, thành phố đã chấp thuận đầu tư với trung tâm hội chợ triển lãm ở huyện Đông Anh. Đối với ô đất 148 Giảng Võ, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư với khoảng 10 tòa nhà chung cư trên ô đất 6,8ha tại số 148 Giảng Võ. Dự kiến, trong năm 2022, thành phố và Bộ Xây dựng sẽ thống nhất lại phương án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; dự kiến, đến năm 2023, dự án sẽ được triển khai xây dựng.
Đối với ô đất 31, 33, 35 phố Lý Thường Kiệt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, đây là khu vực UBND thành phố đã có quyết định giao cho Ngân hàng SHB, Tập đoàn T&T. Theo quy hoạch phân khu đô thị quận Hoàn Kiếm, khu vực phố Pháp cổ, chung cư cũ thì công trình chỉ cao 8 tầng.
Song, đây là ô đất có vị trí quan trọng, chủ đầu tư có đề xuất xây dựng 14 tầng. Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội đã có thỏa thuận thống nhất đây là khu vực có điểm nhấn, song thành phố cũng thống nhất không được ở… tại dự án này. Sau khi xin ý kiến của các đơn vị có liên quan, Hà Nội dự kiến 2 phương án: Phương án 1, nếu đồng ý các quy định hiện hành thì có thể xây luôn 8 tầng; phương án 2, xem xét đồ án thiết kế đô thị trên phố Lý Thường Kiệt để quyết định phương án quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn.
Kết luận phần tái chất vấn về thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đã có 8 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và tham gia trả lời chất vấn có 3 Phó Chủ tịch UBND thành phố, 5 giám đốc các sở và Chủ tịch UBND quận Hà Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.