(HNM) - Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) là vấn đề mà hầu hết các địa phương đang lúng túng trong thực hiện. Tuy nhiên, ở huyện Đan Phượng, "bài toán" khó này đã từng bước được tháo gỡ. Tính đến hết tháng 8-2012, tỷ lệ cấp giấy CNQSDĐ bình quân của Hà Nội mới đạt khoảng 27% thì ở huyện Đan Phượng đã vượt chỉ tiêu cả năm do thành phố giao.
Là huyện ven đô, giao thông thuận lợi, Đan Phượng được coi là vùng "tấc đất tấc vàng". Cũng như các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội, huyện Đan Phượng gặp không ít khó khăn trong quản lý đất đai bởi một thời gian dài trước đây, công tác này thực hiện chưa bài bản. Một số địa phương buông lỏng quản lý, nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Các biến động về đất không được cập nhật kịp thời, trong khi đó, chính sách của Nhà nước thường xuyên thay đổi nên hồ sơ địa chính ở các xã đa phần thiếu hoặc sai lệch so với thực tế, gây khó khăn cho việc cấp giấy CNQSDĐ…
Huyện Đan Phượng chú trọng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. |
Lãnh đạo huyện Đan Phượng nhận định, nếu không làm tốt công tác cấp giấy CNQSDĐ không thể xây dựng cơ sở dữ liệu để làm tốt công tác quản lý đất đai. Vì vậy, thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác cấp giấy CNQSDĐ. Chủ tịch UBND huyện Đinh Hữu Hạnh cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung xét cấp giấy CNQSDĐ; HĐND huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã và kiểm tra sát sao, Huyện ủy chỉ đạo lấy kết quả cấp giấy CNQSDĐ làm chỉ tiêu thi đua, đánh giá năng lực cán bộ ở cơ sở… do vậy, không địa phương nào đứng ngoài cuộc.
Cái thuận ở huyện Đan Phượng là được thực hiện hai gói thầu thuộc dự án VILAP về đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp giấy CNQSDĐ cho nhân dân triển khai ở tất cả các xã đã tạo ra "phong trào" cấp giấy CNQSDĐ, tuy nhiên việc cấp mới vẫn rất khó khăn do hồ sơ địa chính ở các địa phương thiếu và sai lệch. Giám đốc Văn phòng ĐKQSDĐ huyện Chu Đức Hiền cho biết, đơn vị đã phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở, mỗi địa phương từ 5 đến 7 ngày để hướng dẫn cơ sở giải quyết những vướng mắc. Phương châm của huyện là, những xã có hồ sơ địa chính cơ bản đủ thì tập trung hướng dẫn nhân dân kê khai, còn những nơi thiếu hồ sơ địa chính, hoặc không có bản đồ, Văn phòng ĐKQSDĐ cử cán bộ xuống cùng xã đo đạc, bổ sung hồ sơ đất đai, giúp các địa phương có cơ sở cấp giấy CNQSDĐ.
Thực tế, nhiều địa phương thường ngại giải quyết những trường hợp không đủ hồ sơ địa chính bởi phải tổ chức họp dân lấy ý kiến, xác định mốc giới của thửa đất rất phức tạp, đòi hỏi cán bộ xã phải rất tâm huyết, nhưng ở Đan Phượng nhiều xã coi đây là việc tập trung. Ông Nguyễn Như Cường cán bộ địa chính xã Phương Đình cho biết: Thời gian qua, giải quyết những hồ sơ thuộc dạng này là hướng lựa chọn của xã. Hiện nay, khó khăn nhất đối với việc cấp giấy CNQSDĐ ở địa phương là đất thừa kế bởi quy định của luật là phải có đủ tất cả mọi thành viên liên quan trong gia đình mới được cấp giấy CNQSDĐ. Về vấn đề này, cán bộ tư pháp xã được giao nhiệm vụ phối hợp làm việc, do vậy, khó khăn từng bước được khai thông. Không chỉ giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, huyện còn thường xuyên kiểm tra việc cấp giấy CNQSDĐ ở cơ sở để đôn đốc việc thực hiện.
Được thành phố giao cấp 7.051 giấy CNQSDĐ trong năm 2012 nhưng đến hết tháng 9, huyện Đan Phượng đã cấp được 10.569 giấy CNQSDĐ, trong đó có 8.759 giấy chứng nhận cấp theo dự án VILAP và 1.810 giấy theo tiếp nhận hồ sơ hằng ngày. Từ nay đến hết năm 2012, huyện phấn đấu cấp thêm 10.000 giấy CNQSDĐ nữa, trong đó có 2.000 giấy cấp theo thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn trong quản lý đất đai ở cơ sở. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.