(HNM) - Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích và dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) có vai trò quan trọng đối với TP Hà Nội trong phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế, xã hội...
Kiểm tra kỹ thuật sau khi lắp đặt máy bơm tại Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Ảnh: Thái Hiền |
Hai dự án cấp bách
Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích được thiết kế hệ thống lấy nước sông Đà tiếp nguồn sông Tích, với lưu lượng 60m3/giây. Khi hoàn thành, công trình sẽ mang lại nhiều lợi ích: Cấp nước tưới cho 16.000ha đất sản xuất nông nghiệp; bảo đảm tiêu thoát nước, phòng chống lũ cho lưu vực; từng bước chuyển đổi công năng, khai thác hiệu quả nguồn nước hồ Suối Hai, Đồng Mô để phát triển du lịch... Đặc biệt, công trình còn được Bộ NN&PTNT đánh giá sẽ mang lại hiệu quả lớn trong ứng phó hiện tượng hạ thấp mực nước sông Hồng, bổ sung lưu lượng thiếu hụt nguồn tiếp của cống Cẩm Đình cho lưu vực sông Đáy, làm nhiệm vụ thau rửa, sống lại các dòng sông đang bị ô nhiễm và cạn kiệt… Vì vậy, tháng 10-2010, thành phố quyết định đầu tư xây dựng hệ thống công trình tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích, với tổng mức đầu tư hơn 6.914 tỷ đồng; đồng thời giao Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện dự án.
Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) được thiết kế lưu lượng tiêu úng 120m3/giây, tổng mức đầu tư 7.464 tỷ đồng. Khi hoàn thành, công trình này bảo đảm tiêu thoát nhanh, giảm úng ngập cho 18.652ha của các quận, huyện: Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức và Đan Phượng; hạ thấp mực nước sông Nhuệ trong mùa lũ xuống dưới mức 4,5m, giảm thiệt hại úng ngập cho các địa phương hạ du sông Nhuệ: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên… Sở NN& PTNT Hà Nội được thành phố giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án.
Do tính chất quan trọng và quy mô lớn nên cả hai dự án trên được xếp vào danh mục công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020. Lãnh đạo thành phố thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, điều hành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; trong năm 2018, sẽ vận hành 50% công suất Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và thông dòng kỹ thuật công trình tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích.
Sớm gỡ "nút thắt" mặt bằng
Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ thành phố giao, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đến thời điểm này, các hạng mục xây dựng công trình Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đã đạt tiến độ của dự án, đáp ứng yêu cầu của thành phố. Tuy nhiên, đối với hạng mục kênh tiêu La Khê phục vụ vận hành trạm bơm vẫn chưa đạt yêu cầu.
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở NN&PTNT quyết tâm trong mùa mưa năm 2019 sẽ vận hành tất cả tổ máy của Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, trong năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án, bàn giao đưa công trình vào sử dụng… Để phát huy tối đa công suất trạm bơm, Sở NN&PTNT đề nghị thành phố chỉ đạo quận Hà Đông đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư tổ chức thi công hạng mục kênh tiêu La Khê.
Đối với dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích, ông Chu Phú Mỹ thông tin, hiện nay, chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành cụm công trình đầu mối, với tổng giá trị thực hiện đạt 102/110 tỷ đồng. Tuy nhiên, để thông dòng sông Tích trong năm 2018 theo đúng yêu cầu của thành phố là không thể thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do huyện Ba Vì chưa bàn giao toàn bộ diện tích cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Nếu cuối tháng 10 này, huyện Ba Vì bàn giao đủ mặt bằng, chủ đầu tư sẽ thông dòng sông Tích vào cuối năm 2019 và hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30-6-2020.
Thừa nhận trách nhiệm chưa bàn giao đủ mặt bằng cho chủ đầu tư theo đúng chỉ đạo của thành phố, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, huyện Ba Vì phấn đấu từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 năm nay sẽ bàn giao toàn bộ diện tích còn lại của dự án.
Đối với dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, quận Hà Đông đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan của thành phố thực hiện các bước giải phóng mặt bằng; đồng thời, chỉ đạo các phường: Vạn Phúc, Yết Kiêu, Quang Trung, La Khê, Dương Nội tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các hộ nằm trong quy hoạch của dự án về mục tiêu, ý nghĩa của dự án; chấp hành các quyết định thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho nhà nước triển khai dự án… “Quận Hà Đông phấn đấu trong tháng 6-2019 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư tổ chức thi công công trình”, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc thông tin…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.