(HNM) - Báo Hànộimới đã đăng loạt bài Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm (GSGC) hiện đại: Vì sao
Đẩy nhanh tiến độ dự án
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đánh giá tốt về chất lượng thông tin trên Báo Hànộimới, đã tuyên truyền kịp thời, đề cập những khó khăn, vướng mắc khi triển khai một số dự án giết mổ gia súc gia cầm (GSGC) trên địa bàn thành phố. Đây là một chủ trương lớn, mang tính xã hội cao, phục vụ lợi ích dân sinh, mục tiêu bảo đảm chất lượng VSATTP trên địa bàn. Nhiều vướng mắc có thể giải quyết được trong thời gian ngắn nhưng có những vướng mắc không thể giải quyết một sớm một chiều. TP Hà Nội hoan nghênh và mong muốn Báo Hànộimới tiếp tục phối hợp với UBND TP, các DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, sở ban ngành liên quan để tuyên truyền tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt là tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, thay đổi thói quen tiêu dùng, coi việc sử dụng các sản phẩm an toàn là một trong những nét đẹp, văn minh của người Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, hiện công tác quản lý giết mổ GSGC trên địa bàn còn nhiều khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Tâm lý người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng sản phẩm GSGC qua giết mổ và chế biến công nghiệp. Hoạt động giết mổ GSGC thủ công, phân tán, nhỏ lẻ trong khu dân cư gây khó khăn trong kiểm tra kiểm soát. Việc đầu tư các cơ sở giết mổ GSGC tập trung thời gian qua bị chậm do quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án còn rườm rà. Đặc biệt, khó khăn đối với Hà Nội trong công tác quy hoạch địa điểm, vị trí các cơ sở giết mổ GSGC bởi dự án có quy mô sử dụng đất lớn, xa khu dân cư, người dân địa phương không đồng tình ủng hộ do lo ngại gây ô nhiễm môi trường. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư lĩnh vực này gặp khó khăn, ít DN, tổ chức quan tâm bởi hiệu quả đầu tư không cao, giá thành sản xuất không cạnh tranh được với giết mổ thủ công thô sơ. Việc cung cấp thực phẩm ra thị trường, tuy bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng mới chỉ dừng ở việc tiêu thụ tại nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ lớn, bếp ăn tập thể...trong khi đó số lượng chợ cóc chợ tạm có kinh doanh thực phẩm tươi sống phục vụ lượng lớn người tiêu dùng. Cơ chế chính sách ưu đãi của Chính phủ và TP Hà Nội chưa đủ mạnh, chưa thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Trong quá trình làm việc với DN, Quỹ Đầu tư phát triển TP cho thấy còn có nhiều khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách. UBND TP Hà Nội đã có nhiều cuộc họp, đôn đốc, chỉ đạo các bên tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này tiến độ các dự án đầu tư giết mổ GSGC hiện đại vẫn chậm. Do đó, các bên liên quan cần phối hợp để đẩy nhanh tiến độ các dự án, phấn đấu trong năm 2011 đưa vào sử dụng 2 dự án giết mổ, chế biến GSGC công suất 1.000con lợn/ngày; năm 2012 là 3 dự án, với công suất 400 con lợn/giờ; gà 4.000 con/giờ...
Bảo đảm nguyên tắc tài chính
Trao đổi về mong muốn của nhiều DN đề nghị tháo gỡ vướng mắc, thủ tục hành chính, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Tô Thị Hạnh cho rằng: Đối với quy định về cơ chế vay vốn ưu đãi qua quỹ được áp dụng cho các loại hình dự án mang tính xã hội, theo đó các chủ đầu tư được hưởng cơ chế lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất ngân hàng thương mại. Quy trình thủ tục và điều kiện vay vốn vẫn phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước và Bộ Tài chính, ngân hàng về vay vốn tín dụng, không có đặc thù riêng quy định cho các dự án vay vốn của quỹ. Nhưng một số DN và cán bộ sở, ngành lại cho rằng vay vốn qua quỹ phải được ưu đãi cả quy trình thủ tục và điều kiện vay vốn. Cán bộ quỹ đã có hướng dẫn từng phần việc cụ thể cho DN nhưng không phải DN nào làm cũng đúng, đầy đủ theo hướng dẫn. Khi thẩm định năng lực tài chính của một số DN tham gia dự án thấy có vấn đề như: phương án kinh doanh không khả thi, DN thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp... Do đó đến thời điểm này mới chỉ có 2 DN lập dự án GMGSGC hoàn thiện được hồ sơ để quỹ thực hiện các phần việc theo quy định. Trong đó dự án của Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh đã làm xong kết quả thẩm tra, đủ điều kiện vay vốn. Khi quỹ hướng dẫn thủ tục các DN cần nỗ lực, phối hợp với quỹ để hoàn thành các thủ tục theo quy định.
Bà Tô Thị Hạnh cho biết thêm, hầu hết các dự án mang tính xã hội vướng mắc ở chỗ các DN nhà nước tham gia dự án thường tính toán phần chi phí đầu vào quá cao, thậm chí là cao hơn thực tế. Khi quỹ thẩm định tài chính của DN thấy rằng nhiều DN làm ăn không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm liền. Quỹ đề nghị trong thời gian tới, các DN, cũng như sở, ngành hiểu đúng về các thủ tục, quy trình cho vay vốn của quỹ. Để công tác giải ngân các dự án xã hội đạt hiệu quả cao, nhanh gọn, ít vướng mắc, đề nghị các sở ngành làm tốt khâu thẩm định năng lực của các DN tham gia dự án.
Thực hiện cơ sở GMGSGC là một chủ trương lớn của TP, là dự án mang tính xã hội cao nhưng khi thực hiện còn nhiều khó khăn. Trước hết, về phía DN tham gia cần nỗ lực, tìm giải pháp kinh doanh hiệu quả. Các DN trong lĩnh vực nông nghiệp thường trong hoàn cảnh hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh không cao, dễ gặp rủi ro, đặc biệt là nguồn lực tài chính hạn chế nên rất cần thành phố có cơ chế đặc thù, hỗ trợ. Các DN cần tăng cường điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường, đưa ra các phương án kinh doanh tốt, năng động, sáng tạo, chủ động giải quyết các khó khăn vướng mắc. Trong quá trình triển khai dự án, các sở, ngành cần hỗ trợ DN tháo gỡ kịp thời những khó khăn về thủ tục đất đai, quy hoạch… Đây là lĩnh vực đầu tư nhạy cảm nếu hiệu quả sẽ có tác dụng lớn cho xã hội, đề nghị Quỹ Đầu tư phát triển quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ DN khi triển khai dự án, hướng dẫn kịp thời về thủ tục, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc nhưng phải bảo đảm nguyên tắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án GMGSGC trên địa bàn Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.