Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ khó khăn, có chính sách đột phá để đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên

Đình Hiệp| 30/03/2022 12:08

(HNMO) - Sáng 30-3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức Diễn đàn chính sách quốc gia đối với thanh niên năm 2022 với chủ đề "Đào tạo nghề cho thanh niên". Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tháng Thanh niên năm 2022.

 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự diễn đàn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Tham dự sự kiện có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và 300 đoàn viên, thanh niên, các chuyên gia, nhà quản lý…

Giải quyết việc làm cho thanh niên

Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt. Qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, thanh niên luôn là lực lượng nhạy bén trong điều chỉnh, đổi mới chính mình, thích ứng, thích nghi nhanh chóng để phát triển nhanh và bền vững hơn. 

 Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại diễn đàn.

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh: “Diễn đàn hôm nay là hoạt động tiếp nối những nỗ lực và ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam trong chủ trương duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, cho người dân nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng. Chúng ta tin tưởng rằng, từ diễn đàn sẽ góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đào tạo nghề, cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ các cơ sở thực tiễn trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách cho thanh niên ngày càng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay”.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi một số vấn đề trọng tâm xoay quanh chủ đề "Đào tạo nghề cho thanh niên" như: Đánh giá, làm rõ tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công tác đào tạo nghề và tương lai việc làm cho thanh niên; thông tin chính sách và kinh nghiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nhằm chăm lo, hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên.

Cùng với đó là xác định các hệ giá trị và hành trang để thanh niên tự tin, thích nghi, thích ứng trong nghề nghiệp, việc làm. Đồng thời, đưa ra những khuyến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao.

Tạo đột phá trong đào tạo nghề

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sáng kiến của các cơ quan tổ chức diễn đàn với nội dung rất ý nghĩa, thiết thực; thông qua diễn đàn sẽ có được bức tranh tổng thể về thực trạng, cơ hội, thách thức đối với công tác đào tạo nghề cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay và thống nhất về quan điểm, định hướng, giải pháp trong thời gian tới.

Điểm lại những đóng góp của thanh niên qua các giai đoạn, đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặt niềm tin sâu sắc vào lực lượng thanh niên, đề cao vai trò, vị trí của thanh niên.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại diễn đàn.

Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết và đây cũng là những vấn đề Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặt ra tại diễn đàn. Đó là tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề chỉ có 19% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 24,1%. Lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế. Bên cạnh đó, do tác động nặng nề của dịch Covid-19 dẫn đến nhiều thanh niên mất việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp: Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 8,48%, tăng 0,52%.

Trên cơ sở diễn đàn, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu và có những giải pháp hiệu quả, chuyển các ý tưởng, lời nói thành hành động, kết quả, hiệu quả cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện thật tốt và giám sát thực hiện về đào tạo nghề cho thanh niên. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, có những chính sách đột phá để đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa chúc mừng Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò của thanh niên qua từng giai đoạn, đặc biệt là trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh đó, thanh niên đứng trước nhiều cơ hội và thách thức về nghề nghiệp cũng như tìm kiếm công ăn việc làm.

Vì thế, đồng chí Vũ Đức Đam mong muốn các đoàn viên thanh niên phải học tập và học tập suốt đời để thích ứng được với tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như tình hình mới. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh việc hướng nghiệp cho học sinh ngay từ bậc phổ thông; chú trọng giáo dục nghề nghiệp để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giai đoạn 2016-2020, tuyển sinh học nghề cả nước đạt trên 11 triệu người, trong đó hơn 22,3% theo học trung cấp, cao đẳng chủ yếu là đối tượng thanh niên. Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn được chú trọng, giai đoạn 2011-2020, cả nước có gần 4,6 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách, trong đó khoảng 57,3% là thanh niên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp có việc làm tăng lên, năm 2020 đạt khoảng 85%. Chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam xếp thứ 102/141 quốc gia, đây là mức tăng xếp hạng cao nhất trong các quốc gia ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn, có chính sách đột phá để đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.