Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ khó khăn cho làng nghề

Nguyễn Mai| 06/07/2018 06:12

(HNM) - Làng nghề là một trong những thế mạnh, có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, nhất là ở khu vực nông thôn. Tuy vậy, khu vực này cũng gặp một số khó khăn, cần tháo gỡ để phát triển ổn định.

Các làng nghề đang rất cần sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để phát triển ổn định. Ảnh: Đức Nghiêm


Giải quyết việc làm cho nhiều lao động

Cơ sở sản xuất gốm sứ Hợp Mùi của gia đình ông Nguyễn Văn Hợp, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) đang có 15 công nhân chuyên sản xuất lọ hoa, bình nước, bình ngâm rượu... Ông Hợp cho biết, trung bình mỗi năm doanh thu của cơ sở đạt khoảng 2 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm khoảng 40%; thu nhập của người lao động đạt từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng, thu nhập của thợ tay nghề cao có thể đạt từ 18 đến 20 triệu đồng/người/tháng.

Không riêng Bát Tràng, nghề truyền thống cũng mang lại cho người dân thu nhập cao hơn so với làm nông nghiệp ở các địa phương khác. Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) Nguyễn Chí Lợi cho biết: Xã có nghề tạc tượng, chế tác đồ thờ, sơn son thếp vàng..., trung bình mỗi năm doanh thu đạt khoảng 2.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, toàn thành phố hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó làng nghề được UBND thành phố công nhận là 305 làng. Các làng nghề có hàng nghìn doanh nghiệp, gần 200 hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hàng trăm nghìn hộ sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm cho nhiều lao động...

Một số làng nghề có thu nhập khá như: Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) đạt 18,5 triệu đồng/người/tháng; làng nghề mây - tre đan thôn Thái Hòa, xã Bình Phú (huyện Thạch Thất) đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng; làng nghề truyền thống nhiếp ảnh thôn Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng…

Vẫn nhiều khó khăn

Sản xuất hàng gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Bá Hoạt


Tuy vậy, nhiều làng nghề của Hà Nội vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh và đang gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hợp cho biết: Thị trường đòi hỏi mẫu mã phải thay đổi liên tục. Trong khi lao động làng nghề chủ yếu sản xuất bằng kinh nghiệm là chính, ít được đào tạo nên khâu sáng tạo mẫu mã mới vẫn còn nhiều khó khăn.

Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng) cho biết: 95% sản phẩm gốm sứ đã xuất khẩu nhưng chưa bao giờ được gắn tên doanh nghiệp. Toàn bộ sản phẩm gốm sứ do doanh nghiệp sản xuất đều phải “gắn nhãn mác” các đơn vị nhập khẩu trước khi đến tay người tiêu dùng nước ngoài. Nếu người sản xuất lãi 1 đồng thì nhà nhập khẩu lãi từ 5 đến 6 đồng. Đó là điều rất thiệt thòi đối với doanh nghiệp sản xuất.

Trong khi việc xây dựng thương hiệu đối với nhiều làng nghề gặp khó khăn, thì tại làng nghề mây - giang đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), việc khai thác thương hiệu làng nghề chưa hiệu quả. Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, Phú Vinh đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và mẫu nhãn mác cấp quốc gia nhưng khách hàng mua sản phẩm chỉ biết đó là hàng mây - tre thông thường. Điều này dẫn đến sản phẩm không được đánh giá đúng giá trị và người sản xuất chưa được hưởng lợi tương xứng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Vui, Giám đốc Hợp tác xã Sơn khảm Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) bày tỏ khó khăn: "Làng nghề chưa có cơ hội mở rộng thị trường một cách chuyên nghiệp, không có trung tâm thương mại để trao đổi, giao lưu và bày bán sản phẩm. Thậm chí, những sản phẩm khảm trai có giá trị nghệ thuật cao cũng chưa có dịp được phô diễn vẻ đẹp tại các cuộc triển lãm trong nước...".

Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội, bà Hà Thị Vinh cho rằng: "Những năm qua, TP Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các làng nghề phát triển thị trường thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề tham gia hội chợ ngoài nước".

Thông qua hội chợ, các nhà sản xuất của Việt Nam không những ký được hợp đồng mà còn nắm bắt được xu hướng thị trường để có định hướng, chiến lược phát triển lâu dài cho đơn vị mình. Tuy nhiên, nếu đi hội chợ xong rồi về thì rất lãng phí, vì vậy các làng nghề mong muốn được cơ quan chức năng kết nối giữa làng nghề với người Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài để làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, được hỗ trợ đẩy mạnh thiết kế mẫu sản phẩm; tạo nhiều “sân chơi” cho các làng nghề giao lưu, mở rộng thị trường...

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, để tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đã chỉ đạo, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề; mở rộng sản xuất tại các cụm, điểm công nghiệp làng nghề nông thôn.

Thành phố cũng đang tập trung xây dựng chương trình OVOP - "Mỗi làng một sản phẩm", trong đó đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển làng nghề, nâng cao đời sống người dân. Tất cả những giải pháp này là để cho làng nghề có nhiều đóng góp hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, đặc biệt tại khu vực nông thôn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn cho làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.