(HNM) - Tuy cải thiện đáng kể hiệu quả và phương thức sản xuất, nhưng việc tái cơ cấu ngành Chăn nuôi vẫn còn những bất cập, đang đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh để sát thực tế theo hướng nâng cao giá trị.
Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, việc tái cơ cấu ngành Chăn nuôi thời gian qua đối mặt với hàng loạt khó khăn, vướng mắc do chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn (cả nước chiếm 80%, tại TP Hà Nội là 70%), chi phí cao, sản phẩm chất lượng thấp, khó cạnh tranh...
Ông Hoàng Văn Thám, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, địa phương vẫn còn hàng nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô chỉ từ 5 đến 300 con lợn, từ 100 đến 1.000 con gia cầm. Đặc điểm chung trong chăn nuôi gia súc, gia cầm ở huyện Chương Mỹ là sản xuất cầm chừng, bỏ chuồng khi giá xuống thấp, ồ ạt tái đàn khi giá sản phẩm chăn nuôi lên cao... Công tác giám sát, quản lý chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn nhiều hạn chế. Hoạt động giết mổ, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tùy tiện, không tuân thủ đúng quy định kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ, dễ lan truyền dịch bệnh, khó bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: Một trở ngại nữa trong tái cơ cấu chăn nuôi là thiếu địa điểm xây dựng chuồng trại với quy mô lớn và cách xa khu dân cư để bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Việc yêu cầu các cơ sở chăn nuôi và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh có bán kính cách ly từ 1km trở lên theo quy định khó khả thi...
Bên cạnh những bất cập trên, theo ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi lợn Đồng Tâm, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai): Số trang trại và sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đạt tỷ lệ nhỏ nhưng lại khó cạnh tranh với sản phẩm chưa được kiểm soát trên thị trường.
Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho rằng: Để tái cơ cấu ngành Chăn nuôi Hà Nội hiệu quả, dứt khoát phải tập trung đưa cơ cấu chăn nuôi công nghiệp, công nghệ cao, quy mô lớn chiếm 70% thay vì 30% như hiện nay, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Hà Nội hướng tới là trung tâm sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao cho cả nước thay vì sản xuất thương phẩm...
Cùng với đó, cần mở rộng chăn nuôi các loại vật nuôi mới theo hướng công nghệ cao và đặc sản vùng miền, phát triển chăn nuôi khép kín theo chuỗi hướng tới xuất khẩu như bò BBB, gà đồi. Làm tốt hơn việc tuyên truyền, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng từ sử dụng thịt "nóng" sang sử dụng sản phẩm được giết mổ bảo đảm an toàn, được cấp mát, cấp đông đúng quy trình, sản phẩm có nhãn mác, truy suất nguồn gốc rõ ràng...
Tháo gỡ khó khăn trên, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các tỉnh, thành phố rà soát lại chiến lược chăn nuôi cho toàn ngành, ở tất cả các khu vực doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trang trại, nông hộ để có những điều chỉnh về tổng đàn phù hợp. Để giải quyết vấn đề thông tin thị trường, giá cả, Cục Chăn nuôi đang phối hợp với một số đơn vị xây dựng phần mềm dự báo thị trường cho một số sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi chủ lực như thịt gà, lợn, trứng gia cầm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.