Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành ủy Hà Nội thống nhất thông qua, sẽ ban hành 10 chương trình công tác vào dịp kỷ niệm 91 năm thành lập Đảng bộ

Võ Lâm - Khánh Ly - Ảnh: Viết Thành| 11/03/2021 15:15

(HNMO) - Chiều 11-3, tiếp tục chương trình Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII nghe báo cáo, thảo luận về 5 chương trình công tác.

Chủ trì phiên làm việc có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Quang cảnh hội nghị chiều 11-3.

Nỗ lực cao nhất để lấy lại đà tăng trưởng

Mở đầu phiên làm việc, đồng chí Hà Minh Hải, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về Chương trình số 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025" (Chương trình số 02).

Chương trình số 02 có mục tiêu thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra; nỗ lực cao nhất để phục hồi lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế; tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế Thủ đô, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

12 nhóm chỉ tiêu đã được xác định trong dự thảo chương trình. Trong đó đáng chú ý, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 7,5-8%; GRDP bình quân/người đạt 8.300-8.500 USD/năm. Cơ cấu kinh tế năm 2025 có dịch vụ 65-65,5%; công nghiệp và xây dựng 22,5-23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1-3,2 triệu tỷ đồng giá hiện hành, tăng 13,5-14,5%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7-7,5%. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 30%...

Để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, dự thảo chương trình xác định yêu cầu và 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Trong đó, cùng với dự thảo chương trình còn có phụ lục phân công nhiệm vụ trọng tâm với 40 đầu việc, được giao cho 19 cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, Thành ủy chỉ rõ việc triển khai thực hiện chương trình phải tiến hành đồng bộ, liên tục, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có lộ trình cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế gắn với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố...; xác định rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

"Phủ kín" các quy hoạch phục vụ công tác quản lý

Hội nghị đã nghe Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về Chương trình số 05-CTr/TU về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 05).

Mục tiêu của chương trình là "phủ kín" các quy hoạch phục vụ công tác quản lý trên toàn thành phố; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, bảo đảm kỷ cương, văn minh đô thị; kiểm soát chất lượng các đồ án quy hoạch, bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả, sát với thực tiễn; khai thác, phát huy tối đa trí tuệ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch…

Chương trình đề ra 5 chỉ tiêu: Tỷ lệ đô thị hóa 60-62%; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch xây dựng vùng huyện 100%; tỷ lệ hoàn thành phê duyệt hoặc điều chỉnh các quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn 100% và xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị… 

Phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến

Trình bày Tờ trình Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết, chương trình gồm 3 mục tiêu. Theo đó, sẽ phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; để văn hóa thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. 

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai trình bày Tờ trình Chương trình số 06-CTr/TU.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế.

Xây dựng môi trường sống lành mạnh, phong phú, tạo chuyển biến tích cực về tâm lý, lối sống, hành vi của thanh thiếu niên. Sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Đồng thời, tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hóa của thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa phong phú của nhân dân.

Chương trình đề ra 18 chỉ tiêu thuộc hai nhóm lĩnh vực. Cụ thể, đối với chỉ tiêu phát triển văn hóa, thể thao, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, phấn đấu tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 86-88%; tỷ lệ thôn, làng được công nhận danh hiệu “Thôn, làng văn hóa” đạt 65%; tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa đạt 100%; di sản đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là 25 di sản; số di tích xếp hạng và nâng cấp xếp hạng (5 di tích quốc gia đặc biệt, 10 di tích cấp quốc gia và 100 di tích cấp thành phố).

Đối với nhóm chỉ tiêu về nguồn lực, phấn đấu số trường học công lập đạt chuẩn quốc gia là 80-85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%...

Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học

Trình bày Tờ trình Chương trình số 07-Ctr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 07), đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, mục tiêu Chương trình số 07 nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước; là đầu tàu cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến… Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu châu Á vào năm 2045; trở thành trung tâm cung ứng, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh.

Chương trình đề ra một số chỉ tiêu gồm: Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động đạt 7-7,5%; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% trên tổng sản phẩm nông nghiệp; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP…

Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Hội nghị đã nghe Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội - Trung tướng Nguyễn Hải Trung trình bày Tờ trình Chương trình số 09-CTr/TU của Thành ủy về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025".

Sớm cụ thể hóa các chương trình để đưa vào thực hiện

Sau khi nghe các tờ trình, Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã tiến hành thảo luận tại tổ. 16h cùng ngày, đại diện các tổ đại biểu đã báo cáo kết quả tại hội nghị. Trong hai phiên thảo luận tổ diễn ra vào buổi sáng và buổi chiều, có 88 lượt đại biểu đã phát biểu ý kiến tại 4 tổ.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, đại diện Tổ 1 báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại diện Tổ 1, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, 24 ý kiến thảo luận tại tổ đều đánh giá nội dung các chương trình công tác đã được chuẩn bị bài bản, công phu với đề cương chi tiết, nên dễ nghiên cứu, so sánh, theo dõi và đánh giá. Nhiều ý kiến cho rằng, so với nhiệm kỳ trước, các chương trình công tác được xây dựng khá chi tiết, tỉ mỉ với cơ sở thực tiễn cao để đưa các chương trình vào cuộc sống. Các đại biểu bày tỏ mong muốn các chương trình sớm được hoàn thiện và cụ thể hóa để thực hiện. 

Một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo bổ sung một số chỉ tiêu, làm rõ hơn một số chỉ tiêu nhằm tạo thuận lợi khi triển khai trên thực tế. Tổ 1 cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, chất lượng của các đại biểu đề xuất các giải pháp liên quan đến lĩnh vực đào tạo lao động; cơ chế, chính sách để triển khai chương trình.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết đại diện Tổ 2 cho biết, 25 lượt đại biểu nêu ý kiến đã cơ bản thống nhất cao với dự thảo các chương trình công tác. Các chương trình được xây dựng bài bản, chặt chẽ, bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bám sát yêu cầu, thực tiễn; các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các chương trình bảo đảm tính khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, đại diện Tổ 2 báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ.

Các đại biểu cũng đánh giá rất cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy với quyết tâm chính trị rất cao và nỗ lực của các ban chỉ đạo, các cơ quan thường trực để hoàn thành sớm các dự thảo chương trình công tác. Nhiều ý kiến đề nghị các ban chỉ đạo tiến hành rà soát lại tổng thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ gắn với các kế hoạch, đề án, dự án cụ thể hóa để bảo đảm sự thống nhất trong 10 chương trình công tác và các nghị quyết của Trung ương và thành phố.

Đóng góp cụ thể vào Chương trình số 03-CTr/TU, các đại biểu Tổ 2 kiến nghị Thành ủy thành lập riêng một ban chỉ đạo để chỉ đạo thống nhất cũng như tháo gỡ các vướng mắc và quan tâm đầu tư, giúp đỡ 5 huyện thực hiện mục tiêu lên quận trong 5 năm tới; đồng thời, ưu tiên đầu tư giải quyết các vấn đề về hạ tầng giao thông, xử lý vấn đề thu gom, xử lý rác thải. 

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, đại diện Tổ 3 báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ.

Trong khi đó, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức cho biết, với 18 ý kiến đóng góp, các đại biểu tại Tổ 3 bày tỏ sự nhất trí cao với các nội dung của chương trình.

Tổ 3 cũng thống nhất điều chỉnh bổ sung một số nội dung trong Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy. Các đại biểu đề xuất nhiều vấn đề lớn, trong đó có đề xuất thành lập thị xã Ba Vì, thành phố Sơn Tây.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, đại diện Tổ 4 báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, 21 ý kiến thảo luận của Tổ 4 đều đánh giá cao chất lượng của các chương trình công tác. Song, các đại biểu đề nghị rà soát các mục tiêu để bảo đảm sự thống nhất cũng như sự tích hợp giữa các chương trình.

Các đại biểu cũng đề nghị rà soát mục tiêu của các chương trình để tránh sự chồng chéo và có thể xác định rõ mục tiêu nào là mục tiêu chính của mỗi chương trình. Nhiều ý kiến cũng đề xuất nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khu vực nông thôn; quan tâm thu hút cán bộ, sinh viên sau tốt nghiệp về nông thôn công tác, làm việc…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến tổng hợp các ý kiến thảo luận tại tổ.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, qua hai phiên thảo luận buổi sáng và buổi chiều, đã có 88 lượt ý kiến của các đại biểu đóng góp nhằm hoàn thiện nội dung các chương trình. Các ý kiến thể hiện sự đánh giá cao bố cục, nội dung của các chương trình cũng như vai trò, trách nhiệm của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy trong việc triển khai xây dựng các chương trình công tác toàn khóa với tính cầu thị cao. Nhiều chương trình trong quá trình xây dựng đã được tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và các chủ thể có liên quan nhằm tăng tính khoa học và thực tiễn của các chương trình.

“Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, khẩn trương hoàn thiện các chương trình để sớm ban hành chương trình trong thời gian sớm nhất”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI.

Sau khi đồng chí Nguyễn Thị Tuyến trình bày dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã biểu quyết thông qua. Đáng chú ý, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa vào đúng dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2021).

Cũng tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xem xét một số nội dung như: Báo cáo tài chính Đảng năm 2020, nhiệm vụ năm 2021; Báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo năm 2020 của Ban Thường vụ Thành ủy. 

Bắt tay ngay vào tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhận định, với tinh thần trách nhiệm cao, sau một ngày làm việc rất khẩn trương, tích cực, Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đã đề ra và thành công tốt đẹp. Các đồng chí Thành ủy viên và các đại biểu tham dự đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào các tờ trình, báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy.

Đối với Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy khẳng định, các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất đánh giá cơ quan chủ trì đã bám sát Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII, có tham khảo kinh nghiệm của các khóa trước; trên cơ sở đó đã định hướng các nội dung lớn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong năm 2021 của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; làm căn cứ để các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch hành động.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII.

Đối với các nội dung bổ sung, điều chỉnh so với Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy đã ban hành, các đại biểu đều thống nhất đánh giá là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm đúng thẩm quyền, phù hợp với chương trình công tác toàn khóa, góp phần giải quyết các vấn đề bức thiết của thành phố giai đoạn trước mắt và những năm tiếp theo.

Có ý kiến đề nghị điều chỉnh thẩm quyền xem xét, cho ý kiến đối với một số nội dung Ban Chấp hành ủy quyền cho Ban Thường vụ Thành ủy theo Quy chế làm việc của Thành ủy, như: Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội (thay thế Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 3-8-2016 và Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19-9-2016); sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 5-12-2016 của HĐND thành phố về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách… Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Chấp hành thống nhất ủy quyền cho Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, cho ý kiến đối với 2 nội dung nêu trên.

Đối với 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy, các ý kiến thảo luận tại các tổ đều biểu thị sự thống nhất cao và đánh giá các chương trình công tác đã bám sát các quan điểm, chủ trương lớn, tinh thần của nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như chủ đề, các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, chỉ tiêu nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; vừa tập trung những việc có tính cấp bách, vừa có tầm nhìn chiến lược lâu dài, có sự kế thừa các chương trình công tác của khóa trước và cập nhật, bổ sung những vấn đề mới và thực tiễn của thành phố; đồng thời đánh giá cao các chương trình công tác, đặc biệt là các chương trình công tác mới, lần đầu được xây dựng, có tính thực tiễn rất cao, mang tầm vĩ mô nhưng cũng rất cụ thể.

Đề cập một số vấn đề cụ thể trong các chương trình công tác, Bí thư Thành ủy lưu ý, Chương trình số 03-CTr/TU về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025" không chỉ áp dụng cho các quận, mà toàn thành phố, ở cả các huyện, nhất là thị xã, thị trấn, thị tứ cũng đều phải chỉnh trang đô thị. Đối với nhiệm vụ đưa 5 huyện phát triển thành quận, điều quan trọng là phải tạo nền tảng về hạ tầng; đặc biệt, tuyệt đối không được nợ tiêu chí, thậm chí các huyện phải bắt tay ngay vào thực hiện các tiêu chí xanh, văn minh, hiện đại; các huyện đi sau nhưng phải nỗ lực về trước, khắc phục những hạn chế đang tồn tại ở các quận.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII.

“Với sự chuẩn bị công phu như đã nêu, sự đồng thuận cao của các đại biểu dự hội nghị, truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ Thủ đô, tôi tin tưởng quá trình triển khai thực hiện các chương trình công tác lớn của Thành ủy sẽ rất thuận lợi và đạt hiệu quả cao”, Bí thư Thành ủy nói.

Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đã điểm lại tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị thành phố thời gian qua, nhấn mạnh kết quả nổi bật của thành phố trong thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh khó khăn, thành phố đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tạo chuyển biến rõ rệt trên một số lĩnh vực quan trọng. Bí thư Thành ủy biểu dương Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã nỗ lực vượt bậc với tinh thần trách nhiệm cao hoàn thành 6 đồ án quy hoạch phân khu 4 quận nội đô (dự kiến ban hành trong tháng 3-2021) và đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (dự kiến ban hành trong tháng 6-2021).

Khẳng định Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII đã thành công tốt đẹp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm, bản lĩnh, chủ động, sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, trên cơ sở những nội dung đã được thông qua tại hội nghị, từng đồng chí Thành ủy viên, trên cương vị công tác của mình, với trách nhiệm của người đứng đầu, sẽ quyết liệt, năng động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả các chương trình công tác. Các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ sẽ bắt tay ngay vào tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đi vào cuộc sống, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành ủy Hà Nội thống nhất thông qua, sẽ ban hành 10 chương trình công tác vào dịp kỷ niệm 91 năm thành lập Đảng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.