(HNM) - Thành phố Hà Nội có truyền thống làm tốt công tác cán bộ và thành công của thành phố là luôn nhìn ra những vấn đề căn bản ở từng giai đoạn để có giải pháp kịp thời. Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ 2020-2025, xác định còn tình trạng thiếu hụt cán bộ trẻ, Thành ủy Hà Nội đang tập trung tạo nguồn lớp cán bộ kế cận.
Nhìn thẳng vào sự thật
Sự kiện tiêu biểu số 1 của Thủ đô năm 2020 là tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong đó có đóng góp không nhỏ của công tác cán bộ.
Tuy nhiên, Thành ủy Hà Nội cũng đã phân tích, làm rõ những mặt còn hạn chế trong công tác cán bộ hiện nay, thể hiện trước hết qua công tác nhân sự đại hội. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, tỷ lệ cán bộ trẻ chưa đạt yêu cầu tối thiểu 15% tổng số cấp ủy viên nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, ở đại hội cấp cơ sở, tỷ lệ cán bộ dưới 35 tuổi chỉ đạt 8,76%; ở đại hội cấp trên cơ sở, tỷ lệ cán bộ dưới 40 tuổi đạt 11%; ở Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, kết quả bầu Ban Chấp hành chỉ có 3/71 đồng chí dưới 40 tuổi, đạt 4,23%. Tình trạng thiếu hụt cán bộ là nguyên nhân dẫn tới việc đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở thành phố bầu thiếu 9 cấp ủy viên và 5 ủy viên ban thường vụ.
Về vấn đề này, đảng viên Nguyễn Hằng (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) nhìn nhận: “Đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 có nhiều người trẻ, nhưng so với các địa phương khác, số cán bộ sinh sau năm 1980 của Hà Nội còn ít”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ rõ, thành phố đang có sự hẫng hụt nhất định về đội ngũ cán bộ chủ chốt. Vừa qua, 5 phó chủ tịch UBND thành phố nghỉ cùng lúc, thành phố tiến hành bầu 5 tân phó chủ tịch, dẫn đến khó khăn về nguồn nhân sự thay thế cho các chức vụ bí thư cấp ủy, giám đốc sở mà 5 đồng chí đang kiêm nhiệm…
Tình trạng này không còn là cá biệt. Ngay cả đối với Sở Công Thương, một lĩnh vực kinh tế chiếm tỷ trọng rất lớn của thành phố, hiện chưa kiện toàn được vị trí giám đốc sở. Thậm chí, thiếu hụt cán bộ còn xảy ra đối với Ban Tổ chức Thành ủy khi chưa bổ nhiệm đủ 4 phó trưởng ban theo quy định.
Chọn giải pháp căn cơ
Trước thực tế trên, Thành ủy Hà Nội đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp căn cơ để giải quyết. “Mục tiêu hàng đầu là phải đào tạo, xây dựng cho được đội ngũ cán bộ từ thành phố xuống cơ sở đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đặc biệt là quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ kế cận. Nghị quyết chuyên đề về đổi mới công tác cán bộ phải được ban hành sớm, không thể để sang quý II-2021”, đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu.
Được biết, Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về đổi mới công tác cán bộ sẽ bám sát Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” gắn với các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII); tập trung khắc phục một số khâu trong công tác cán bộ còn hạn chế, nhất là về cán bộ kế cận, cán bộ trẻ. Quan điểm là để có cán bộ kế cận, phải tạo ra “bệ phóng” - tin tưởng, mạnh dạn bổ nhiệm, giao việc; tạo môi trường để người giỏi có điều kiện phấn đấu, được thể hiện, được tôn trọng ý kiến.
Theo đồng chí Vũ Đức Bảo, hiện Ban Tổ chức Thành ủy đã phân công, giao nhiệm vụ; đồng thời khẩn trương triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về đổi mới công tác cán bộ. Theo đó, sẽ khảo sát thực tế; lấy ý kiến chuyên gia, cán bộ, đảng viên… để bảo đảm nghị quyết thật sự khoa học, sát thực tiễn và có tính khả thi cao.
Chủ trương ban hành nghị quyết chuyên đề này nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên. Đảng viên Ngô Song Nam (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) cho rằng: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, trên cơ sở mạnh dạn tạo “bệ phóng” cho cán bộ trẻ, chắc chắn sẽ khắc phục sự hẫng hụt về đội ngũ của Thủ đô”.
Trong khi đó, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam khẳng định, luân chuyển, bố trí cán bộ kế cận là công việc được quận chủ động triển khai; do đó, với Nghị quyết chuyên đề về đổi mới công tác cán bộ sắp tới, nhiệm vụ cấp thiết này sẽ được triển khai đồng bộ, bài bản và hiệu quả hơn.
“Chúng tôi rất mừng khi Thành ủy xây dựng Nghị quyết chuyên đề về đổi mới công tác cán bộ. Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong sẽ tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo nghị quyết. Chúng tôi cũng chủ động thực hiện khi nghị quyết được ban hành, nhất là thông qua đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp của Thủ đô”, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Phạm Minh Anh nói.
Vừa nhằm giải quyết hạn chế, vừa nhận được sự quan tâm, ủng hộ như vậy, Nghị quyết chuyên đề về đổi mới công tác cán bộ hứa hẹn sẽ đóng góp thiết thực, giúp Thành ủy Hà Nội xây dựng lớp cán bộ chiến lược xứng tầm, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô cả trước mắt và lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.