(HNM) - Hòa chung trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 39 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội bày tỏ sự lạc quan trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam:
ADB luôn sát cánh bên Chính phủ và nhân dân Việt Nam
Là đối tác tin cậy và người bạn thân thiết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, chúng tôi khâm phục những thành tựu to lớn của Việt Nam trong hai thập kỷ qua, với mức GDP theo đầu người đã tăng gấp gần bốn lần trong khi tỷ lệ nghèo đã giảm từ mức gần 50% xuống còn hơn 10%. Sự chuyển đổi về kinh tế và xã hội đầy ấn tượng này là kết quả thực hiện những quyết định chính sách quan trọng và định hướng chính xác của Chính phủ cho sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, tạo tiền đề để Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền kinh tế trong khu vực và kinh tế toàn cầu.
Được tham gia một phần trong câu chuyện phát triển thành công này là vinh dự đặc biệt đối với ADB. Từ khi bắt đầu các hoạt động vào năm 1993, ADB đã cung cấp trên 12 tỷ USD hỗ trợ phát triển cho Việt Nam, chủ yếu để tài trợ cho các cơ sở hạ tầng vật chất và hạ tầng xã hội. Các chương trình, dự án hạ tầng được ADB tài trợ đang phát huy hiệu quả và đóng góp to lớn trong việc cải thiện đời sống của nhân dân cũng như cho tăng trưởng vì mọi người. Tôi muốn chúc mừng những thành tựu của nhân dân Việt Nam và bày tỏ lời cảm ơn chân thành của chúng tôi về cơ hội đã cho ADB đóng góp một phần vào tiến trình phát triển của đất nước các bạn. ADB sẽ tiếp tục phát huy quan hệ đối tác này và sẽ vẫn là một đối tác đáng tin cậy của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong những năm tới.
Ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam:
Nhật Bản tự hào khi được đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam
Nhật Bản và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Vì thế, Nhật Bản đã chứng kiến những bước phát triển của Việt Nam kể từ khi thống nhất đất nước (năm 1975) đến nay. Chúng tôi vui mừng khi được chứng kiến những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với chính sách Đổi mới được thực hiện từ năm 1986 đến nay, hợp tác quốc tế và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Kể từ khi nối lại Viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam (cuối năm 1992), Nhật Bản luôn là một trong những đối tác phát triển lớn nhất của Việt Nam. Là cơ quan thực hiện chính các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, JICA được sát cánh với nhân dân Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Đến nay tổng số vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đã lên tới 2.200 tỷ yên, chiếm 30% tổng vốn ODA tại Việt Nam. Trong liên tiếp hai năm 2012 và 2013, Nhật Bản đứng đầu danh sách các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Chúng tôi tự hào vì đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như cải thiện đời sống của người dân Việt Nam.
Ông Kim In, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam:
Thành tựu phát triển của Việt Nam thật ấn tượng
Mặc dù từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do hậu quả của chiến tranh và cấm vận kinh tế. Thế nhưng sau khi thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển thật ấn tượng. Đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đã đạt 7,2%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 3 lần so với năm 1990 và được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam không ngừng phát triển, từ quan hệ "Đối tác hợp tác toàn diện" được nâng lên thành "Đối tác hợp tác chiến lược". Quy mô viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thông qua KOICA dành cho Việt Nam cũng ngày càng được mở rộng.
Văn phòng KOICA sau khi được thành lập ở Việt Nam năm 1994, đến nay đã thực hiện nhiều dự án đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Các lĩnh vực hỗ trợ trọng điểm của KOICA với Việt Nam gồm môi trường và tăng trưởng xanh; phát triển nguồn nhân lực (kỹ thuật, dạy nghề); hạ tầng kinh tế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.