Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh Trì: Đã sẵn sàng cho cuộc bứt phá mới

Lê Hoàn| 28/05/2011 06:32

(HNM) - Ven những làng quê yên bình và cổ kính, đã xuất hiện dáng dấp của những khu đô thị hiện đại. Một huyện ngoại thành mà có tới hơn 1.200 doanh nghiệp (DN) của TƯ, TP và ngoài quốc doanh chưa kể hàng nghìn DN địa phương, hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN).

Thay vì làm ruộng, nhiều người nông dân trở thành công nhân có việc làm, thu nhập ổn định… Nửa thế kỷ, trên dưới đồng lòng vượt khó, Thanh Trì nay đã trở thành huyện ngoại thành giàu, mạnh của Thủ đô.

Phát triển đồng bộ các lĩnh vực


Huyện Thanh Trì được quy hoạch xây dựng ngày một khang trang. Ảnh: Khánh Nguyên


Trò chuyện với PV Báo Hànộimới, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Triệu Đình Phúc cho biết, so với các huyện ngoại thành cũ của Thủ đô Hà Nội, xuất phát điểm của Thanh Trì thấp hơn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất tập trung, lại có 3 xã nằm ở khu vực ngoài bãi đê sông Hồng nên gặp nhiều khó khăn trong xây dựng và phát triển. Cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, nhất là hệ thống trường, trụ sở các xã, đường giao thông, hệ thống xử lý rác thải. Làm sao để bứt phá trong khi nguồn tài chính quá eo hẹp? "Chỉ có cách khơi dậy tiềm lực của mỗi địa phương, hơn hết giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nỗ lực tham gia phát triển kinh tế-xã hội mới giúp Thanh Trì bứt phá".

Suốt giai đoạn 2005-2010, 200ha trồng lúa bấp bênh được chuyển sang làm trang trại, 900ha canh tác cũng được người dân ở các xã Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Tả Thanh Oai, Đại Áng, Thanh Liệt chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Tại huyện còn hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao (xã Vĩnh Quỳnh); sản xuất rau an toàn, cây dược liệu (các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc…) cho thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa. Đến nay, Thanh Trì đã có 228 trang trại đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân lên gần 71 triệu đồng/ha/năm. Tính riêng ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản mỗi năm cũng mang về cho huyện gần 150 tỷ đồng.

Không còn thuần nông, trên mảnh đất Thanh Trì hôm nay hình thành nhiều cụm CN hiện đại như, cụm CN Ngọc Hồi, thu hút 34 DN; chưa kể tới hơn 1.200 DN của TƯ, TP, 234 DN địa phương và gần 1.500 hộ sản xuất TTCN, mỗi năm giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống chợ đã được cải tạo, xây dựng mới (6 chợ) giúp các địa phương trong huyện phát triển dịch vụ, thương mại. Năm 2010, ngành này mang lại nguồn thu hơn 200 tỷ đồng.

Đô thị hóa nhanh, ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề bức xúc. Lấy ý thức tự giác của mỗi người để tuyên truyền, vận động, huyện triển khai khá thành công mô hình tự quản về môi trường tại xã Liên Ninh. Đến nay, cơ bản tại 15 xã, thị trấn còn lại đều tổ chức thu gom rác thải, giữ gìn cho môi trường xanh, sạch, đẹp. Cũng nhờ sức dân, 27 công trình nhà văn hóa đã được khởi công xây dựng, làm nơi sinh hoạt, giao lưu, gắn kết tình làng, nghĩa xóm...

Song hành xây dựng đô thị và nông thôn mới

Theo quy hoạch chung của TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn bộ huyện Thanh Trì sẽ nằm trong Vành đai 3 đến Vành đai 4 (khu đô thị trung tâm). Tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng hàng loạt dự án của TƯ, TP… sẽ được triển khai chắc chắn khoác cho Thanh Trì "chiếc áo" mới. Vì vậy, Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 quyết định chọn "Xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn mới" là khâu đột phá đầu tiên, tiếp đó mới đến cải cách hành chính và công tác cán bộ. Ngay sau Đại hội Đảng bộ, Huyện ủy đã xây dựng 6 chương trình công tác. Trong năm 2011, Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo 2 chương trình: Phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới (NTM); Tăng cường quản lý đất đai, xây dựng và phát triển đô thị. Vì kinh tế có phát triển, đất đai được quản lý chặt chẽ, huyện mới có điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM và đô thị.

Đến thời điểm này, so với toàn TP, Thanh Trì được đánh giá là triển khai nhanh, đặc biệt khá mạnh dạn khi đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có 65% số xã (11 xã) đạt chuẩn NTM. Lộ trình cụ thể, đến năm 2012, hai xã Đại Áng và Đông Mỹ về đích trước, khích lệ 9 xã còn lại hoàn thành vào năm 2015. Trung bình mỗi xã cần 150-200 tỷ đồng (toàn huyện cần khoảng 2.700 tỷ đồng). Nguồn vốn này huyện đang tập trung huy động nhân dân đóng góp (khoảng 10%), nguồn từ các DN và kêu gọi xã hội hóa đầu tư (khoảng 30%), còn lại là hỗ trợ của TP và thu từ đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất xen kẹt (mỗi năm từ 400-600 tỷ đồng).

Giai đoạn 5 năm này, Thanh Trì ưu tiên các dự án xây dựng và phát triển đô thị, phấn đấu đến năm 2015 xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường trọng điểm như, tuyến Phan Trọng Tuệ nối với các xã Đại Áng, Liên Ninh, Tả Thanh Oai. 100% tuyến đường liên xã được xây dựng theo quy hoạch. Đồng thời sẽ hoàn chỉnh hệ thống cấp, thoát nước đô thị (100% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 80% sử dụng nước sạch đô thị), bảo vệ môi trường, tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Những phần thưởng cao quý
Huyện đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân (năm 2000), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2003), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2010). Công an huyện được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT thời kỳ đổi mới; xã Đông Mỹ nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Trì: Đã sẵn sàng cho cuộc bứt phá mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.