(HNM) - Mặc dù không còn lực lượng Thanh tra xây dựng quận, huyện, phường, xã, nhưng thực tế mô hình tổ chức hiện nay gần như giữ nguyên sự có mặt và hoạt động của lực lượng này trên địa bàn để bảo đảm hiệu quả quản lý trật tự xây dựng.
Thay cho lực lượng Thanh tra xây dựng quận, huyện là mô hình các đội phụ trách địa bàn và thay cho Thanh tra xây dựng phường, xã là các tổ công tác phân công về địa phương. Điều quan trọng hơn, các đội thanh tra hay tổ công tác tại địa bàn vẫn chịu sự chỉ đạo trực tiếp của cả Thanh tra xây dựng Sở Xây dựng và lãnh đạo UBND quận, huyện, phường, xã, theo quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng vừa được UBND TP Hà Nội ban hành. Cụ thể, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng quản lý, chỉ đạo các đội Thanh tra xây dựng về tổ chức, chuyên môn, đôn đốc kiểm tra, lập hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng chuyển đến UBND các cấp xử lý theo thẩm quyền. UBND cấp quận, huyện cũng sẽ điều hành các đội Thanh tra xây dựng phối hợp với UBND cấp phường, xã để quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Ngoài ra, quy chế cũng nêu rõ, chủ tịch UBND cấp phường, xã chịu trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, thực hiện thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng; chỉ đạo, điều hành tổ công tác của đội Thanh tra xây dựng đặt tại địa bàn; yêu cầu công an, các cơ quan liên quan cấm vận chuyển vật liệu xây dựng, cắt điện, nước công trình vi phạm. Các đội Thanh tra xây dựng chịu trách nhiệm lập hồ sơ vi phạm, đề xuất biện pháp xử lý chuyển cho UBND xử lý trong vòng 24 giờ kể từ khi lập biên bản, hồ sơ. Sở Quy hoạch-Kiến trúc kiểm tra, kiến nghị cơ quan cấp phép thu hồi giấy phép xây dựng với công trình không theo quy hoạch, kiến trúc được duyệt.
Thời gian gần đây, công tác quản lý trật tự xây dựng đã có chuyển biến rõ rệt. Ảnh: Như Ý |
Quản lý trật tự xây dựng luôn là nhiệm vụ "nóng" với các địa phương. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2013, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 1.391 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, gồm có 799 vụ xây dựng không phép, 186 vụ sai phép, còn lại là các hình thức vi phạm khác; ra quyết định đình chỉ 890 trường hợp, xử phạt hành chính 154 trường hợp, cưỡng chế khắc phục vi phạm 364 trường hợp. Ở giai đoạn chuyển tiếp, sau khi kết thúc thí điểm tổ chức Thanh tra xây dựng quận, huyện, phường, xã và tổ chức lại theo mô hình mới, đã có nhiều ý kiến lo ngại quản lý trật tự xây dựng thiếu sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ, nhất là trên những tuyến phố, nút giao thông mới mở dễ phát sinh vi phạm và hình thành nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ bản vi phạm được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, không để phát sinh vi phạm lớn gây bức xúc dư luận.
Liên quan đến việc xử lý công trình vi phạm trong giai đoạn chuyển tiếp, Bộ Xây dựng cũng vừa ban hành Thông tư 02/2014/ TT-BXD hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121/2013/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, theo đó có thể một số trường hợp vi phạm sẽ được phạt tồn tại. Cụ thể, hành vi xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế-quy hoạch được duyệt mà cơ quan có thẩm quyền đã ban hành quyết định xử phạt hành chính, quyết định cưỡng chế phá dỡ nhưng chưa thực hiện, nếu xét thấy việc xây dựng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch được xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả bằng việc thu hồi số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép với công trình; bằng 50% giá trị phần sai phép, không phép, sai quy hoạch - thiết kế với công trình thuộc dự án đầu tư.
Theo quyết định tổ chức và hoạt động, Thanh tra xây dựng Hà Nội có 4 phòng, 31 đội; ngoài 2 đội chuyên ngành quản lý nhà ở, công sở, bất động sản, khu công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật… thì 29 đội được bố trí theo địa bàn quận, huyện, thị xã.
Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng khác là giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng (theo Quyết định 2694/QĐ-UBND ngày 18-6-2012 của UBND TP Hà Nội) và các trường hợp nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo" (theo Chỉ thị 11/CT-UBND ngày 4-10-2012 của UBND TP Hà Nội). Kết quả, đến nay chỉ còn 2/527 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng diện tồn đọng và 192/597 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" (riêng năm 2013, xử lý 60 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.