(HNM) - Công tác thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm, đặc biệt qua thanh tra cho thấy, hành vi cố tình vi phạm pháp luật còn nhiều, đòi hỏi nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Điều này được khẳng định tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 8-1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.
Đất đai là lĩnh vực có nhiều vi phạm trong quản lý. Ảnh: Trọng Đạt |
Nhiều vi phạm trong quản lý đất đai, thu chi ngân sách
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, qua thanh tra cho thấy, công tác quản lý đất đai còn buông lỏng, để xảy ra nhiều thiếu sót, sai phạm như: Quy hoạch sử dụng đất thiếu tính khả thi, không đồng bộ; việc giao, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; lấn chiếm đất công để sử dụng; chuyển nhượng trái phép; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất không đúng quy định… Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, 59 bộ, ngành, địa phương tiến hành 1.181 cuộc thanh tra, kết thúc và ban hành kết luận 1.008 cuộc, phát hiện vi phạm 437 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 177 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 323 tập thể, 454 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 3 vụ việc, 3 cá nhân. Các dạng thiếu sót, vi phạm chủ yếu là không thực hiện đủ trình tự, thủ tục, thi công sai thiết kế; nghiệm thu, thanh quyết toán không đúng thực tế thi công. Tương tự, 61 bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 2.784 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách. Qua đó, phát hiện vi phạm 3.756 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 2.244 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 671 tập thể, 1.471 cá nhân. Vi phạm chủ yếu là quản lý ngân sách chưa chặt chẽ, không chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng kinh phí; trốn thuế, nợ đọng thuế; không theo dõi công nợ…
Tại hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển khẳng định, kết quả thanh tra của bộ cho thấy hành vi cố tình vi phạm pháp luật còn nhiều, đặc biệt là trên lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường. Các tổ chức, cá nhân cố ý làm sai quy định chứ không phải không nắm được luật. Có biểu hiện lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản. Theo Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, để xử lý nghiêm, cần quan tâm nhiều hơn tới công tác hậu kiểm, đồng thời các bộ, ngành điều hành công tác thanh tra cần quyết liệt, sâu sát hơn nữa.
Trên thực tế, còn nhiều cuộc thanh tra chậm ban hành kết luận và số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự còn ít so với thực tế vi phạm, đó cũng là nguyên nhân khiến việc cố tình vi phạm ngày càng nhiều.
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước
Có thể thấy, những hạn chế ở các lĩnh vực công tác: thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN… đều liên quan đến ý thức trách nhiệm chưa cao của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền; trình độ, năng lực CBCC còn hạn chế cũng như sự chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành còn chậm, chưa sát thực tế. Chia sẻ kết quả và kinh nghiệm trong công tác thanh tra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, TP Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật PCTN tại 29 quận, huyện, thị xã và một số sở, ngành. Qua thanh tra đã giúp lãnh đạo các đơn vị kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện pháp luật về KNTC và PCTN. Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị sẽ làm chuyển biến về nhận thức và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN nói riêng. Một số địa phương cũng cho rằng, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành TƯ, các địa phương trong giải quyết các vụ việc, hạn chế một vụ việc giải quyết ở nhiều cơ quan; đặc biệt cần thống nhất biện pháp giải quyết giữa các bộ, ngành thì mới giải quyết dứt điểm được vụ việc.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả ngành thanh tra đã đạt được trong năm 2013, khẳng định kết quả đó góp phần đáng kể vào sự phát triển của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, năm 2014, ngành thanh tra cần xây dựng chương trình, kế hoạch của ngành một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý hành chính nhà nước, trong đó, đặc biệt chú trọng đến hoạt động thanh tra trong lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: Quản lý đất đai, khoáng sản, thu chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu quốc gia... trên tinh thần công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, ngành thanh tra cần tiếp tục chỉ đạo giải quyết tốt đơn thư KNTC của công dân ngay tại cấp cơ sở, không để phát sinh điểm nóng, hạn chế tình trạng KNTC vượt cấp lên TƯ. Đặc biệt, phải tập trung giải quyết dứt điểm 62 vụ KNTC còn lại trong số 528 vụ việc KNTC phức tạp kéo dài. Thủ tướng nhấn mạnh, ngành thanh tra hoàn thiện hoặc kiến nghị bổ sung cơ chế, chính sách về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, công tác PCTN theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát của nhân dân.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2013, toàn ngành đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành chính và 197.890 cuộc thanh tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm 326.552 tỷ đồng, 4.520ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 25.225 tỷ đồng, 3.653ha đất. Đáng chú ý, kết quả thanh tra trên một số lĩnh vực của các bộ, ngành, địa phương phát hiện nhiều vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và quản lý tài chính, ngân sách. Cụ thể, 53 bộ, ngành, địa phương tiến hành 659 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đã phát hiện vi phạm 122 tỷ đồng, 4.519ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 126 tập thể, 332 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 44 vụ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.