(HNM) - Là một vùng kinh tế quan trọng của Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế phát triển trong các lĩnh vực nông, thủy sản, du lịch, giáo dục, y tế… Khu vực này cũng đang nỗ lực chuyển mình để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm phát triển xứng với tiềm năng đang có.
Thế mạnh nông nghiệp, thủy sản
Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP Hồ Chí Minh đánh giá, cơ hội thu hút đầu tư từ các công ty Nhật Bản của vùng ĐBSCL là rất lớn. Các lợi thế của vùng đối với nhà đầu tư là mặt hàng nông, thủy sản đa dạng và dồi dào, giá đất, nhân công rẻ, cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông đang được cải thiện. Đặc biệt, hệ thống giao thông đường thủy của vùng là một lợi thế riêng, có nhiều trục đường kết nối với TP Hồ Chí Minh và giao thông giữa các tỉnh trong vùng cũng tương đối thuận tiện.
Sản xuất cá tra xuất khẩu tại Công ty XNK thủy sản An Giang. |
Theo ông Yasuzumi Hirotaka, trong tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, ngành sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất với 85%. Trong thời gian tới, đầu tư vào ngành nông nghiệp và thủy sản sẽ được các doanh nghiệp Nhật Bản chú ý nhiều hơn như một xu hướng mới. Theo xu hướng này, lĩnh vực đầu tư hứa hẹn nhất cho vùng ĐBSCL là công nghiệp chế biến nhờ tận dụng tối đa lợi thế các mặt hàng nông, thủy sản của vùng như gạo, trái cây, tôm, cá…
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, ĐBSCL hiện có 836 dự án FDI (bằng 5,2% so với cả nước) với tổng vốn đăng ký đạt 11,8 tỷ USD (bằng 4,9% cả nước). Trong những năm gần đây vốn FDI tăng mạnh. Chỉ riêng trong 3 năm (2011 - 2013) có 271 dự án FDI với vốn đầu tư là 2,3 tỷ USD (bằng 8% so với cả nước), trong đó tập trung nhiều ở các địa phương gần TP Hồ Chí Minh như Tiền Giang, Long An, Cần Thơ, Bến Tre.
Để có được kết quả này, theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, rất nhiều giải pháp tổng hợp mà vùng đã thực hiện, như xây dựng cơ sở hạ tầng gồm sân bay quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc; đường cao tốc nối ĐBSCL và Cần Thơ… Môi trường kinh doanh cũng được cải thiện mà rõ nhất là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của nhiều tỉnh trong vùng đã nằm trong nhóm cao nhất trong các năm 2012, 2013…
Những việc cần làm ngay
Dù đánh giá ĐBSCL có nhiều lợi thế thu hút FDI, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư cũng cho biết, còn rất nhiều vấn đề mà các địa phương này cần phải tiếp tục hoàn thiện. Ông Yasuzumi Hirotaka cho rằng, "những việc cần làm ngay" của vùng ĐBSCL là nhanh chóng cải thiện hiệu quả và chất lượng của sản xuất, thu hoạch nông sản để nâng cao chất lượng, thêm giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông, thủy sản. Điều này cũng giúp các đối tác trong vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa, điều kiện tiên quyết trong thương mại toàn cầu hiện nay. Thêm nữa, cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp thiết yếu để làm bàn đạp hỗ trợ các ngành công nghiệp khác. "Hãy nhớ rằng thu hút đầu tư là một cuộc cạnh tranh khốc liệt chứ nó không tự nhiên mà đến", ông Yasuzumi Hirotaka khẳng định và cho rằng 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần kết lại thành một thể thống nhất để phát triển, đồng thời phải kiên quyết cải thiện những điểm yếu của vùng để thu hút được đầu tư.
Là nhà đầu tư có nhà máy chế biến thức ăn thủy sản tại tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Thanh Hoàng, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH De Heus Việt Nam đề nghị ĐBSCL cũng cần nhanh chóng cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng giao thông cả đường bộ và đường thủy. Bên cạnh đó cần xem xét lại hệ thống thu mua nhiều cấp, vốn là tập quán ở ĐBSCL; kiểm soát chặt hơn chất lượng sản phẩm từ bà con nông dân. Nhiều nhà đầu tư khác cũng nêu các vấn đề như chính sách tiếp cận đất đai cần dễ dàng; thủ tục hành chính phải đơn giản, một cửa, thuận tiện…
Trao đổi về các vấn đề trên, ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, vùng sẽ khắc phục những tồn tại để tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI. Theo ông Dương Quốc Xuân, Chính phủ đã và đang có chính sách cơ chế đặc thù cho ĐBSCL phát triển. Hiện các tỉnh trong vùng đang tập trung đầu tư mạnh vào hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ và đường thủy để bảo đảm lưu thông hàng hóa, giảm bớt chi phí vận chuyển từ ĐBSCL đến TP Hồ Chí Minh. Công tác cải cách thủ tục hành chính cũng đang có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, cơ chế liên kết vùng mà 13 tỉnh, thành đang xây dựng sẽ củng cố các điểm mạnh riêng có của từng vùng để tạo ra các lợi điểm hấp dẫn các nhà đầu tư trong hiện tại và tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.