Hà Nội luôn xác định phát triển không chỉ cho riêng mình, mà còn phải nêu gương, có trách nhiệm với cả nước. Nói đến Hà Nội phải nói đến toàn diện các lĩnh vực, phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn, lan toả những giá trị văn hóa ngàn năm, đặt người dân ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách và hành động, khơi dậy khả năng sáng tạo của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, để góp phần hiện thực hóa tầm nhìn về một thành phố thông minh vào năm 2030.

Trong Nghị quyết được thông qua tại Đại hội, Đảng bộ thành phố đặt ra mục tiêu rất cụ thể: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Một mục tiêu thật lớn cho chặng đường ngắn ngủi 10 năm. Nhưng đó cũng là hướng đi tất yếu mà Hà Nội phải vươn tới để xứng tầm với vị trí của Hà Nội trong lòng dân tộc: Thủ đô, trái tim, niềm tự hào của cả nước; và với vị thế của Hà Nội trên thế giới hôm nay: Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ là sự thúc giục Hà Nội nhanh chóng hòa nhịp cùng thế giới, mà còn là đòi hỏi cấp thiết đối với Hà Nội nếu muốn khơi lên, tỏa rạng các nguồn lực mới cho chặng đường phía trước.

Lựa chọn xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, bảo đảm các yếu tố phát triển nhanh, bền vững, mang lại sự tiện ích, an toàn cho công dân dựa trên ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là chìa khóa bảo đảm cho Hà Nội hiện thực hóa thành công một mục tiêu nhân bản lớn lao hơn rất nhiều: Tất cả vì sự phát triển của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

/

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội,
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam

Nhân dân Thủ đô vui mừng vì lãnh đạo thành phố đã thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị cao và dũng cảm đi đầu, triển khai dự án khu đô thị thông minh đầu tiên không chỉ của Hà Nội mà của cả nước, trở thành dự án trọng điểm của quốc gia.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về thành phố thông minh ASOCIO 2018, ông Jay Jenkins, Trưởng Bộ phận công nghệ Google Cloud Đông Nam Á nhận định: Trên nhiều mặt, Hà Nội gần như đã là một thành phố thông minh! Hai năm sau, trong giai đoạn đầu tiên xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội, với sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng và các ứng dụng công nghệ thông tin, đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hình thành cơ bản
các nền tảng cốt lõi

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông – cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội, trong giai đoạn 1 của tiến trình xây dựng thành phố thông minh (2018-2020), Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh.

Thành phố tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn thành phố, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G) và thứ 5 (5G).

Cũng theo đúng lộ trình, Hà Nội đã có bước đột phá căn bản về công nghệ thông tin, bảo đảm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung trên một hệ thống, gắn với mô hình chính quyền đô thị. Lần đầu tiên, thành phố triển khai thành công các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và phần mềm một cửa điện tử dùng chung trên phạm vi 3 cấp chính quyền, với 1.671 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 100%; hoàn thành tích hợp, kết nối 249/249 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần tạo ra một phương thức giao dịch hiện đại, minh bạch; tiết kiệm chi phí, thời gian trong việc thực hiện các thủ tục hành chính; tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; là công cụ, đòn bẩy quyết định thúc đẩy công tác cải cách hành chính của thành phố.

Cùng với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cũng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo nên các thành tố để xây dựng thành phố thông minh, trong đó dành ưu tiên cho xây dựng các hệ thống thông minh trong một số lĩnh vực “nóng” như giao thông, du lịch, y tế, môi trường…

Đặc biệt, sự thành công của Hà Nội trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua có sự góp phần của nền tảng thông minh. Thành phố đã chủ động phát triển và công bố ứng dụng Cổng thông tin thành phố - Hà Nội Smart City. Ứng dụng này đã giúp người dân phản ánh, kiến nghị về y tế, góp phần tích cực, đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch.

Theo Trung tâm Tin học - Công báo (Văn phòng UBND thành phố Hà Nội), kể từ ngày 17-3-2020, để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố, các cấp và các ngành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống này đã thực hiện lưu trữ thông tin 24.255 người nghi nhiễm thuộc diện quản lý, giám sát trên ứng dụng; 3.068 phản ánh, kiến nghị của người dân. Tính đến ngày 15-9-2020, đã có 16.324.659 lượt truy cập xem bản đồ dịch trên ứng dụng; 100.039 tài khoản được đăng ký sử dụng trên hệ thống và 697.795 lượt tải ứng dụng trên 2 nền tảng di động IOS và Android.

Hình thành cơ bản
các nền tảng cốt lõi

Một dấu mốc đáng chú ý khác trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội là vào tháng 10-2019, dự án thành phố thông minh do liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư phát triển với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD trên diện tích 272ha tại các xã: Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ (huyện Đông Anh) đã được động thổ. Dự án sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh với 6 yếu tố: Năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh. Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo cũng sẽ được ưu tiên áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn cung và lưu trữ năng lượng. Dự kiến, toàn bộ 5 giai đoạn của dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2028.

Biến thách thức
thành cơ hội

VIDEO: Quang Thái - Dương Hiệp

Theo Quyết định phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1-8-2018, một trong các mục tiêu định hướng đến năm 2030 là “Hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh”.

Đặc biệt, ngày 27-9-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, Bộ Chính trị khẳng định việc chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng này là tất yếu khách quan. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phải coi việc chủ động tham gia cuộc cách mạng này là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết này cho thấy một thông điệp rõ ràng về đầu tư, xây dựng thành phố thông minh. Đó là việc làm tất yếu, qua đó còn nhằm định hình năng lực, vị trí của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Cụ thể hóa những định hướng lớn đó, tại Kế hoạch số 205-KH/TU triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TƯ của Bộ Chính trị được ban hành ngày 10-9-2020, Thành ủy Hà Nội xác định mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội sẽ hình thành, phát triển một số khu đô thị thông minh trên địa bàn, từng bước phát triển các lĩnh vực thông minh quan trọng, hướng tới xây dựng Hà Nội là thành phố thông minh; đến năm 2030, là hạt nhân liên kết mạng lưới các đô thị thông minh Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực ASEAN…

Khát vọng về một thành phố thông minh tiếp tục được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội với lộ trình rất rõ ràng: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”. Đây là những tiền đề quan trọng, tạo động lực, niềm tin cho Hà Nội vươn mình trở thành thành phố thông minh trong tương lai rất gần.

10 năm cho một mục tiêu lớn là không hề dễ dàng, nếu không có một quyết tâm thật lớn từ cả hệ thống chính trị đến mỗi người dân, và một hệ thống giải pháp thật đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả.

Như Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm nhận định, tương tự các thành phố khác trên thế giới, Hà Nội cũng đã và sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng thành phố thông minh. Đó là các vấn đề về nguồn lực kinh tế; xác định mục tiêu; cơ chế, chính sách; năng lực và cơ chế quản lý hành chính; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; thiết kế đô thị cùng những thách thức liên ngành và nhiều vấn đề khác phát sinh như đảm bảo an toàn thông tin; bẫy công nghệ; xử lý dữ liệu (Big Data); sự tham gia của người dân; giải quyết công ăn việc làm; những vấn đề đối với người cao tuổi, về văn hóa, sự gia tăng tính độc quyền, phân cấp xã hội...

Tuy nhiên, qua những bài học kinh nghiệm từ các thành phố lớn trên thế giới cũng như trong khu vực và cả trong nước, với tiềm lực, lợi thế sẵn có của mình, Hà Nội chắc chắn sẽ khắc phục hiệu quả những khó khăn, biến thách thức thành cơ hội để xây dựng thành công một thành phố thông minh với bản sắc riêng, bền vững trong tương lai.

/
Hà Nội đã và đang tham gia Tổ chức các thành phố thông minh và phát triển bền vững thế giới (WeGO), Mạng lưới các thành phố thông minh bền vững ASEAN (ASCN). Việc trao đổi, hợp tác trong thời gian qua đã mang lại cho Hà Nội nhiều kinh nghiệm trong công tác định hướng, triển khai xây dựng thành phố thông minh.
“10 năm trước, khái niệm thành phố thông minh có lẽ còn xa lạ đối với nhiều người dân, thế nhưng giờ đây, tại Seoul, những công nghệ thông minh đã len lỏi khắp mọi ngõ ngách, phục vụ cuộc sống của người dân, khiến Seoul thực sự chuyển mình thành một đô thị đáng sống”, chị Kang Cho-Hee, một người dân Seoul nói khi đang đón xe buýt tại một nhà chờ xe thông minh.

Những nhà chờ xe buýt được trang bị bộ sạc điện thoại di động không dây, wifi tốc độ cao, camera giám sát thông minh báo hiệu xe buýt sắp đến, màn hình hiển thị thông tin thời tiết và lịch trình các tuyến xe… là một trong số hàng trăm dự án ứng dụng công nghệ để xây dựng thành phố thông minh tại Seoul, khiến Hàn Quốc nổi lên như một quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển đô thị thông minh tại châu Á.

Chính phủ Hàn Quốc đề ra chiến lược Ubiquitous-City (U-City) với việc áp dụng công nghệ thông tin ở tất cả các bộ phận cấu thành của thành phố, để người dân có thể vào bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ nơi đâu nếu sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng hay máy vi tính… cũng có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ đô thị. Từ năm 2012, người dân Seoul đã có thể tiếp cận các dịch vụ hành chính cơ bản như: Cấp chứng nhận, trả tiền thuế, thanh toán hóa đơn... thông qua điện thoại di động. Thành phố cũng đầu tư 1.400 tỷ won (tương đương 1,24 tỷ USD) để lắp đặt 50.000 thiết bị cảm biến trên toàn thành phố nhằm thu thập các dữ liệu về môi trường đô thị như: Bụi mịn, tiếng ồn, gió, cũng như dữ liệu liên quan đời sống người dân, như: dân số lưu động, lượng xe cộ lưu thông…


Ở phạm vi hẹp hơn trong khu vực ASEAN, Singapore nổi lên như một điểm sáng. Từ một quốc gia nhỏ với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp, đảo quốc Sư tử đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu về ứng dụng công nghệ, được vinh danh là một trong những thành phố thông minh nhất thế giới, theo bảng xếp hạng thành phố thông minh 2020 do Viện Phát triển quản lý (IMD) trực thuộc Trường Kinh doanh Thụy Sĩ công bố ngày 17-9 vừa qua. Chìa khóa thành công trong việc phát triển đô thị thông minh tại Singapore được cho là nhờ các dự án, chiến lược mang tầm quốc gia, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của người dân.

/
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng viết trên Facebook vào năm 2017: "Quốc gia thông minh Singapore dành cho tất cả mọi người và không ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả thành phần của xã hội, bất kể tuổi tác hay địa vị, đều được hưởng lợi từ các giải pháp công nghệ".

Tại châu Âu, khoảng 300 thành phố đã đạt các tiêu chí về xây dựng thành phố thông minh, hướng tới mục tiêu đến năm 2040 sẽ trở thành nơi dẫn đầu thế giới về áp dụng mô hình các thành phố thông minh. Phần lớn các quốc gia châu Âu xây dựng thành phố thông minh căn cứ trên 6 trụ cột do Liên minh châu Âu đề xuất, bao gồm: Kinh tế thông minh, môi trường thông minh, quản trị thông minh, di chuyển thông minh, cuộc sống thông minh và con người thông minh. Với nhiều quốc gia châu Âu, đô thị thông minh không phải là một khái niệm xa vời. Việc xây dựng thành phố thông minh bắt nguồn từ điểm chung là tập trung giải quyết những vấn đề đô thị, cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có với tiêu chí đặt lợi ích người dân lên hàng đầu.

London là một ví dụ điển hình. Để giải quyết áp lực lên giao thông, năng lượng, chăm sóc sức khỏe và quản lý ô nhiễm do dân số tăng, thành phố đã đưa ra một loạt sáng kiến bao gồm triển khai hệ thống xe điện không người lái để giảm khí phát thải, đèn giao thông thông minh có khả năng dành quyền ưu tiên cho xe buýt để tránh ùn tắc, triển khai hệ thống dữ liệu mở để chăm sóc y tế tốt hơn cho người dân… Hay tại Thụy Điển, với phương châm “muốn có thành phố thông minh nhất thiết phải có người dân thông minh”, chính phủ nước này đã đưa ra chính sách hỗ trợ các gia đình mua máy tính, sản phẩm công nghệ, khuyến khích giải pháp tín dụng thông minh để công dân của mình sử dụng thành thạo công nghệ, kích thích tư duy đổi mới, sáng tạo, gắn xây dựng thành phố thông minh với việc phát triển thành phố sáng tạo

Xây dựng thành phố
thông minh tại việt nam:
Những bước đi đầu tiên

Tại Việt Nam, khoảng 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt các đề án xây dựng thành phố thông minh hoặc triển khai các dự án liên quan đến xây dựng thành phố thông minh, trong đó, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương đi đầu.

Từ cuối năm 2018, Đà Nẵng đã chính thức triển khai xây dựng thành phố thông minh. Giai đoạn 2019-2025, thành phố dự kiến triển khai 53 dự án, được phân chia theo 6 trụ cột của thành phố thông minh (theo mô hình của Liên minh châu Âu) với tổng kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó có xây dựng Trung tâm giám sát điều hành, dịch vụ công thông minh và dữ liệu mở. Đến nay, Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành 10/13 nhóm mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại đề án. Việc xây dựng thành phố thông minh thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vốn cho các dự án thuộc đề án vẫn chậm, số lượng ứng dụng thông minh phục vụ người dân vẫn còn thấp.

Dù chưa tham gia Mạng lưới các thành phố thông minh ở Đông Nam Á nhưng thành phố Huế đang được xem là mô hình đáng học hỏi và được kỳ vọng sẽ là nơi đầu tiên tại Việt Nam trở thành thành phố thông minh vào năm 2025. Nét nổi bật trong quá trình triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh của Thừa Thiên – Huế là tỉnh này phối hợp với một tập đoàn lớn xây dựng “Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh”, đưa vào vận hành từ năm 2018. Trung tâm có chức năng giám sát, xử lý giao thông; giám sát, quản lý hình ảnh phục vụ xử phạt vi phạm hành chính; quản lý các phương tiện công cộng; quản lý các điểm đỗ xe; giám sát an ninh tại các khu vực trung tâm, khu vực trọng yếu…

Tại thành phố Hồ Chí Minh, đề án xây dựng thành phố thông minh đề xuất triển khai 4 nhiệm vụ lớn: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; xây dựng Trung tâm dự báo và mô phỏng kinh tế - xã hội và Trung tâm an toàn thông tin. Thành phố đã chọn 3 đơn vị thí điểm xây dựng đô thị thông minh là quận 1, quận 12 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Từ giữa năm 2019, thành phố bắt đầu triển khai các dịch vụ thông minh, trong đó, ngành dịch vụ được xem là mũi nhọn phát triển chiến lược. Năm 2020, thành phố triển khai Trung tâm điều hành y tế thông minh và Trung tâm điều hành giáo dục thông minh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ở Việt Nam hiện nay chưa có thành phố nào xây dựng xong mô hình thành phố thông minh một cách hoàn chỉnh. Nhiều tỉnh, thành vẫn đang trong giai đoạn khởi động. Dù vậy, kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh từ các tỉnh, thành trong cả nước và kinh nghiệm từ các quốc gia tiên phong đi trước là vốn quý cho Hà Nội học hỏi để cán đích thành công mục tiêu hoàn thành xây dựng thành phố thông minh vào năm 2030.

/

TS Nguyễn Nhật Quang

Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ Vinasa

Việc huy động các nguồn lực từ xã hội, trong đó có nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia phát triển đô thị thông minh là vấn đề có tính chất “sống còn” trong chiến lược xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội. Chính quyền đóng vai trò kiến tạo, tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi, bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước cũng như tạo ra hệ thống dùng chung, hỗ trợ cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp được thụ hưởng một cách bình đẳng.
Xây dựng thành phố thông minh là chiến lược phát triển lâu dài, đòi hỏi phải có lộ trình và bước đi cụ thể cho từng giai đoạn, đặc biệt cần nguồn lực rất lớn, từ con người đến tài chính... Làm thế nào để thành phố phát huy tối đa nội lực, khơi dậy các tiềm lực, sẵn sàng cho bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới? Đại diện một số đơn vị, sở, ngành cùng các chuyên gia, doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu.
  • Ông Nguyễn Hồng Sơn

    Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lấy khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo là động lực để Hà Nội bứt phá Đọc bài chi tiết

    PGS.TS Tạ Hải Tùng

    Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội Hà Nội "thông minh" phải do những người am hiểu Hà Nội xây dựng Đọc bài chi tiết
  • TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

    nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam Cần phát huy chất xám từ “vốn quý” riêng có của Hà Nội Đọc bài chi tiết

    bà Nguyễn Thị Nga

    Chủ tịch tập đoàn BRG Doanh nghiệp không chỉ có “tầm”, mà phải khát khao cống hiến Đọc bài chi tiết
  • Tiến sĩ, NGƯT Lê Ngọc Quang

    Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Sẽ không còn phương pháp giáo dục thụ động “đổ nước vào xô” Đọc bài chi tiết

    Ông Đỗ Công Anh

    Phó Cục Trưởng Cục Tin học hoá (Bộ Thông tin và Truyền thông) Khuyến nghị triển khai thí điểm bằng chi phí của doanh nghiệp Đọc bài chi tiết
/

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

Nguyễn Phú Trọng

phát biểu kết luận tại cuộc làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra ngày 19-9-2020.

“Yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện, lâu nay đã quyết tâm rồi, Đại hội này cần có bước chuyển biến mới - đây là yêu cầu khách quan”
Như một cơ duyên, trước ngưỡng cửa đón dấu mốc của thành phố 1010 năm tuổi, Hà Nội được UNESCO vinh danh là Thành phố sáng tạo (2019). Và thêm một cơ duyên, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII diễn ra cùng lúc Hà Nội kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Một nhiệm kỳ mới mở ra với những tiếp nối đầy tự hào của giá trị quá khứ và thành quả của hiện tại, để Đảng bộ và nhân dân Thủ đô thêm quyết tâm hiện thực hóa khát vọng chuyển mình lớn lao.

Phát huy cao độ tinh thần
Gương mẫu, đi đầu

Tại cuộc làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra ngày 19-9-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu kết luận đã mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và Đảng bộ Thủ đô.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, vị thế Hà Nội bây giờ khác xưa nhiều, quy mô lớn, không chỉ có 36 phố phường, không chỉ có Cổ Loa, mà bây giờ mở rộng ra rất nhiều. Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, sâu hơn các địa phương khác. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện - đây là yêu cầu khách quan.

Trong ngày làm việc thứ nhất của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, tinh thần này một lần nữa được đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh khi đến dự và chỉ đạo Đại hội.

“Một câu hỏi đặt ra là: Thủ đô của chúng ta sẽ phát triển như thế nào trong những thập kỷ tới? Tôi cho rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cần nhận thức sâu sắc hơn nữa, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và của Đảng bộ Thủ đô. Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều lợi thế, tiềm năng mà không nơi nào có được. Do đó, Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn không chỉ là một vài năm hay một nhiệm kỳ trước mắt, mà phải nhìn xa hơn thế nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể và phù hợp với tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Thấm nhuần những lời lẽ lay động mỗi con tim, khối óc ấy, trước ngưỡng cửa của bước chuyển mình lớn lao hơn, toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đang hân hoan bước vào một nhiệm kỳ mới với tầm nhìn 10 năm, trong đó, Hà Nội không còn đặt mục tiêu cạnh tranh trong nước, mà hướng tới cạnh tranh với các thành phố trong khu vực Đông Nam Á.

“Cấy gen thông minh” vào
quá trình phát triển đô thị

Là cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

“Trong đề án của Hà Nội, cách đặt vấn đề về một thành phố thông minh là một phương thức phát triển và vận hành đô thị thông minh, hiệu quả, hiện đại. Thành phố thông minh có thể được hình dung như một “hệ thống lớn”, không thể xây dựng trong một khoảng thời gian ngắn, do vậy, cần lấy việc “cấy gen thông minh” làm trọng tâm để xây dựng thành phố thông minh bền vững, đi từng bước nhỏ, nhưng khả thi và mang lại hiệu quả nhanh.

Việc “cấy gen thông minh” có thể được hiểu là việc xác định các yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn thông minh thông qua công tác quy hoạch, phát triển đô thị, các quy hoạch chuyên ngành, quản lý việc xây dựng thành phố, ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp tổ chức phù hợp với việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh bền vững, trong đó, công tác quy hoạch có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng thành phố thông minh”, ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết.

Và trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh ấy, ngay từ bây giờ, mỗi người dân Thủ đô đều đã có thể cảm nhận rõ “gen thông minh” thực sự đã được “cấy” chặt chẽ, bài bản và đầy đủ trong các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Kỳ vọng những thay đổi trong đời sống mà thành phố thông minh mang lại. Video: Quang Thái - Dương Hiệp

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã thể hiện rõ quyết tâm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững.

Một trong 3 khâu đột phá của Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ mới chính là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch…; xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố…

Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội sẽ xây dựng 10 chương trình công tác toàn khóa; trong đó có 3 chương trình mới được đánh giá sẽ tạo thêm đòn bẩy cho việc cán đích mục tiêu nhiệm kỳ: Về phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; về chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế đô thị; về bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi cho người dân Thủ đô.

Phát biểu bế mạc Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển mới, với vai trò, vị thế của Thủ đô, Đảng bộ lớn nhất cả nước, nhiệm vụ đặt ra cho nhiệm kỳ tới là rất to lớn, nặng nề, song rất vinh dự và vẻ vang, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, hành động quyết liệt; tuyệt đối không thỏa mãn với thành tích đã đạt được.

Với quyết tâm chính trị cao và bằng lộ trình rõ ràng, khoa học, bài bản cùng những bước đi thận trọng, chắc chắn, Hà Nội tự tin sẽ phát triển xứng tầm, góp phần cùng cả nước hoàn thành khát vọng Việt Nam hùng cường, vươn lên sánh vai với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Ước mơ của người dân Thủ đô về một môi trường sống văn minh, thông minh, hiện đại, nhân văn đang được xây dựng từ nền móng vững chắc của hôm nay.

10 năm đang đón đợi - một Hà Nội - thành phố thông minh!