(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý hoạt động giao thông đường bộ. Việc làm này đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân khi tham gia giao thông.
Lợi ích lớn, hiệu quả cao
Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, vào giờ cao điểm sáng - chiều, tại các tuyến đường trung tâm thành phố Hồ Chí Minh như: Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Điện Biên Phủ, Pasteur…, dù lượng người và xe cộ tham gia giao thông đông đúc nhưng rất ít khi xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ, giao thông ổn định. “Trước đây, tại các nút giao thông chính khu vực trung tâm thành phố thường xuyên xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm. Giờ đây, nhờ có hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh với chế độ ưu tiên các trục đường chính, tình trạng này giảm hẳn”, anh Trần Hữu Tuấn Anh, phường Tân Thuận Tây (quận 7) chia sẻ.
Ngoài ra, thành phố đang triển khai mô hình mô phỏng dự báo giao thông tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh). Qua mô hình, Sở Giao thông - Vận tải thành phố đã thu nhận được các thông số phục vụ công tác quản lý, điều hành. Cụ thể, năm 2020, trung bình mỗi người dân thành phố có khoảng 3,16 chuyến đi/ngày. Dự báo đến năm 2025, nhu cầu giao thông tại thành phố sẽ đạt trên 41 triệu lượt đi lại/ngày. Từ dự báo này, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đã vận hành chế độ “làn sóng xanh” bằng việc ưu tiên các trục đường chính khi lưu lượng vượt 60% năng lực tuyến đường.
Giải thích về chế độ "làn sóng xanh", Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Đoàn Văn Tấn cho biết, những trục đường giao thông chính, lượng phương tiện qua lại cao, thời gian dừng đèn đỏ sẽ ngắn, thời gian đèn xanh dài. Từ ngã tư này đến ngã tư khác, luồng xe có thể di chuyển liên tục mà ít phải dừng chờ đèn đỏ, giúp các phương tiện di chuyển vận tốc trung bình tăng từ 10% đến 15%.
Bà Lương Thanh Trúc, thanh niên xung phong tham gia điều tiết giao thông cùng các lực lượng chức năng tại ngã tư Điện Biên Phủ - Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho biết: "Nhịp đèn ưu tiên luồng xe di chuyển liên tục trên trục đường chính Điện Biên Phủ được triển khai giúp ngã tư này ít khi xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm".
Theo Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải thành phố), nhằm quản lý giao thông hiệu quả, thành phố đang triển khai hệ thống cảm biến quan trắc, thu thập dữ liệu giao thông tự động tại 118 mặt cắt ngang các tuyến đường. Các thông số như: Lưu lượng phương tiện, vận tốc trung bình, mật độ phương tiện... được hệ thống thu thập, phân tích, tính toán để đưa ra chiến lược điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại 216 nút giao thông trọng điểm khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, với 817 camera giám sát giao thông và hệ thống màn hình vận hành (24/7) đã kịp thời ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao thông có camera kết nối. Vì thế, các sự cố về giao thông được kịp thời chuyển đến lực lượng chức năng để xử lý, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
Sớm khắc phục những hạn chế
Thực tế vận hành hệ thống ứng dụng thông tin giao thông thông minh thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao khi người dân được cung cấp đầy đủ tình hình giao thông trên địa bàn, giảm ùn tắc. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số hạn chế cần khắc phục. Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Ngô Hải Đường cho hay, hiện số lượng camera giao thông chưa bao phủ hết, do đó nhiều tuyến đường, khu vực không thể ghi hình, xử phạt phương tiện qua hình ảnh. Ngoài ra, nhiều người dân vẫn không tự giác nộp phạt khi vi phạm, dẫn đến tính nghiêm minh trong thực thi các quy định pháp luật về giao thông chưa cao.
Để nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý giao thông đường bộ thời gian tới, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đề án xây dựng thành phố thành đô thị thông minh trong lĩnh vực giao thông vận tải; đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải. Tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới camera giám sát giao thông, hệ thống đèn tín hiệu giao thông linh hoạt.
Theo ông Trần Quang Lâm, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Công an thành phố và Cục Đăng kiểm (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống camera giao thông, trích xuất hình ảnh để phạt nguội các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ; vận hành camera kiểm soát tốc độ, cân tự động, dữ liệu giám sát hành trình. Đồng thời, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.