(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương được giới trí thức lựa chọn sinh sống, đầu tư, kinh doanh. Đây là nguồn lực quan trọng để thành phố tạo nền tảng phát triển bền vững. Với những yêu cầu thực tế, thành phố đang xây dựng nhiều chính sách thiết thực để tiếp tục thu hút trí thức trong và ngoài nước tham gia xây dựng, phát triển thành phố.
Thành phố hội tụ “tinh hoa”
Bà Lê Thị Mỹ Châu (kiều bào Hoa Kỳ) cho biết, bà quyết định trở về Việt Nam đầu tư lập nghiệp. Hành trình chuyển tặng sách về Việt Nam ban đầu khá gian nan. Nhưng hơn 30 năm qua, bà Lê Thị Mỹ Châu cùng chồng đã bền bỉ quyên góp, trao tặng Việt Nam hơn 1 triệu cuốn sách quý với tổng trị giá hàng triệu USD. Bản thân bà Châu đang điều hành một doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. “Đến nay, tôi nhận thấy việc quyết định đầu tư cho hoạt động doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh của tôi là đúng đắn. Điều này cũng giúp tôi được đóng góp sức mình cho sự phát triển của thành phố và đất nước”, bà Lê Thị Mỹ Châu chia sẻ.
Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (kiều bào Singapore) Võ Thành Đăng cho biết, nhiều đơn hàng (tính bằng container) là sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc; nhiều dự án khởi nghiệp kinh doanh gọi vốn thành công… “Đây là cơ hội tốt để thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung nắm bắt những lợi thế “thuận thiên” để xây dựng thương hiệu và định vị điểm đến (Destination Branding)”, ông Võ Thành Đăng góp ý.
Trên thực tế, những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đóng góp công sức, đặc biệt là ủng hộ vật chất, trang thiết bị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước và thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới dù tuổi cao vẫn miệt mài đóng góp cho công cuộc phát triển, hợp tác quốc tế về khoa học của đất nước, đào tạo nhiều cán bộ khoa học cho quê hương.
Qua số liệu thống kê cho thấy, trong những năm qua, đã có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn; gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, khu công nghệ cao, bệnh viện… trên địa bàn thành phố. Song song đó, đã có gần 3.000 công ty có vốn của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng...
Tiếp tục thu hút trí thức trong và ngoài nước
Những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 30.000 người Việt trẻ tuổi ở nước ngoài về thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp. Đặc biệt, có khá nhiều dự án xuất phát từ các ý tưởng khởi nghiệp của Việt kiều trẻ về nước từ các nền kinh tế phát triển như: Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Australia… Kiều hối năm 2022 về thành phố đạt khoảng 6,8 tỷ USD, cao hơn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lượng kiều hối tại thành phố luôn chiếm từ 40 đến 50% tỷ lệ kiều hối của cả nước.
Là một trí thức nhiều năm sống, làm việc và đóng góp cho sự phát triển của thành phố, Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh luôn trăn trở về cơ chế vượt trội để thành phố phát triển bứt phá. Ông cho rằng, cơ chế vượt trội là cơ chế mới, không theo những nguyên tắc thông thường. “Thành phố cần tạo ra lực đẩy phụ (bên cạnh lực đẩy chính là nguồn ngân sách được phân bổ), nhưng có sức mạnh gấp nhiều lần lực đẩy chính, đó là cơ chế hợp tác đối tác công - tư, chính sách đặc biệt thuận lợi để thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước phát triển thành phố”, Tiến sĩ Trần Quang Thắng nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, thời gian qua, thành phố đã có nhiều hoạt động về công tác thông tin tuyên truyền của Đảng đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, hoạt động kết nối cộng đồng, tổ chức các hội nghị, hội thảo dành cho các chuyên gia, doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài… Đặc biệt, lần đầu tiên Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan đã tổ chức đưa các doanh nhân Thái Lan gốc Việt về thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam kết nối đầu tư, thương mại với các doanh nghiệp thành phố và trong nước.
Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố hết sức trân trọng những ý kiến tư vấn, tham mưu của các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm giúp đất nước nhanh chóng tiếp cận với trình độ tiên tiến về khoa học - công nghệ của thế giới, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hiện nay. Thành phố sẽ xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi để huy động nguồn lực trí thức trong và ngoài nước cùng chính quyền thành phố thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.