Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Thúc đẩy hoàn thiện khu Nam thành phố

Trọng Ngôn| 18/08/2021 07:29

(HNM) - Gần 30 năm kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, Khu đô thị mới Nam thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa hoàn thành. Đây là khu đô thị có quy mô lớn nhất thành phố, trải qua nhiều giai đoạn với nhiều quy định khác nhau nên quá trình xây dựng gặp không ít vướng mắc. Để thúc đẩy hoàn thiện khu đô thị này, cần chính sách nhất quán và một đầu mối giải quyết thủ tục đầu tư.

Các ngành, chức năng đang triển khai nhiều biện pháp để giải quyết các vướng mắc tại Khu đô thị mới Nam thành phố Hồ Chí Minh.

Gần 30 năm vẫn chưa hoàn thành 

Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Khu đô thị mới Nam thành phố Hồ Chí Minh (khu Nam) với quy mô 2.975ha (gấp 4 lần Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức) thuộc địa bàn quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh. Gần 30 năm qua, khu Nam chỉ mới hoàn thành hơn 50% khối lượng xây dựng, nhiều dự án trong khu đô thị còn ì ạch.

Ông Phan Chánh Dưỡng (chuyên gia kinh tế, người tham gia đề án xây dựng khu Nam từ những ngày đầu) cho biết, toàn bộ Khu đô thị mới Nam thành phố được quy hoạch thành 3 dải đất: Dải đất nằm phía Bắc, phía Nam và nằm dọc hai bên trục đường Nguyễn Văn Linh. Cả 3 dải đất này được quy hoạch các công trình đô thị gắn với mảng xanh cùng hệ thống kênh, rạch, tạo thành một đô thị sinh thái hiện đại, hài hòa môi trường thiên nhiên, góp phần làm nổi bật đặc trưng “đô thị sông nước” của thành phố. Tuy nhiên, đến nay chỉ có đường Nguyễn Văn Linh (chiếm 210ha) và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (hơn 400ha) cơ bản hoàn chỉnh, phần diện tích còn lại đã bị quy hoạch manh mún.

Theo Ban quản lý Khu đô thị mới Nam thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm qua, có 38 dự án phát triển đô thị (quy mô hơn 400ha) đã bị thu hồi, hủy bỏ giá trị pháp lý các văn bản về đầu tư. Hiện nay, toàn khu Nam có 94 dự án với diện tích 2.137ha (chiếm 82% tổng diện tích toàn khu), đã giải phóng mặt bằng được hơn 1.800ha (chiếm tỷ lệ 66%). Trong đó, có 13 dự án quy mô gần 600ha chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng chủ đầu tư thiếu năng lực thực hiện. Các dự án trên đang chờ ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cùng các cơ quan liên quan để xem xét tiếp tục triển khai hoặc chấm dứt pháp lý.

Thực tế, từ ngã tư quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh hướng ra Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, nhiều khu dân cư dù đã được xây dựng hàng chục năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng, trong đó có khu dân cư lô 13A (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và phường 7, quận 8)... Ông Bùi Tấn Thành (cư dân sống tại khu dân cư lô 13A) cho biết, đã sinh sống tại khu dân cư lô 13A gần 10 năm nhưng hiện các con đường trong khu dân cư chưa được trải nhựa, nhiều đoạn bị ngập sâu sau mưa. “Tại khu đô thị, các tiện ích như siêu thị, công viên cây xanh cũng không có”, ông Bùi Tấn Thành cho hay.

Cần một đầu mối giải quyết

Ông Phan Chánh Dưỡng cho rằng, để chiến lược phát triển đô thị khu Nam thành phố Hồ Chí Minh đạt hiệu quả, vai trò của Nhà nước vô cùng quan trọng, cần được thể hiện rõ nét, bắt đầu từ phê duyệt mục tiêu, chức năng nhiệm vụ của đô thị cần xây dựng đến chuẩn bị một bộ máy quản lý hành chính tương ứng để quản lý... Bên cạnh đó, Nhà nước phải có một chính sách nhất quán, bảo đảm tuân thủ nội dung quy hoạch. Từ kinh nghiệm xây dựng Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, theo ông Phan Chánh Dưỡng, bên cạnh vai trò của Nhà nước, cần có sự đóng góp của người dân vào công tác quy hoạch.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Phó Trưởng ban quản lý Khu đô thị mới Nam thành phố Hồ Chí Minh Phạm Văn Toàn cho biết, trải qua nhiều giai đoạn với nhiều quy định pháp luật khác nhau, việc xây dựng khu Nam gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Một trong những hạn chế hiện nay của khu Nam là thiếu đầu mối để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của nhà đầu tư. Để tháo gỡ, cần có một ban quản lý đầu tư xây dựng bên cạnh Ban quản lý Khu đô thị mới Nam thành phố, đủ chức năng, thẩm quyền làm đầu mối tiếp nhận, giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng. Đối với các dự án chậm triển khai, Ban quản lý Khu đô thị mới Nam thành phố kiến nghị UBND thành phố thu hồi dự án hoặc không giao đất cho chủ đầu tư dự án mới nếu chưa hoàn thành hạ tầng dự án cũ.

Nhằm gỡ vướng về đầu tư xây dựng các khu đô thị, hiện UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án do một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình cũng đã yêu cầu Ban quản lý Khu đô thị mới Nam thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các dự án tại khu Nam để tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Thúc đẩy hoàn thiện khu Nam thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.