(HNM) - Thời điểm giáp Tết, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh mua, bán hàng trực tuyến. Các cấp, ngành thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyến an toàn, giúp người dân mua hàng trực tuyến bảo đảm chất lượng.
Rủi ro khi mua sắm trực tuyến
Hiện nay, hàng hóa được mua bán, giao dịch thông qua thương mại điện tử, các website hay các trang fanpage đã không còn xa lạ với người tiêu dùng. Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng mua hàng trực tuyến là xu hướng tất yếu của kinh tế thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, hình thức mua bán trực tuyến càng được người tiêu dùng áp dụng để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh yếu tố tiện dụng, hoạt động mua bán, giao dịch trực tuyến đã và đang phát sinh nhiều tồn tại. Trong đó, nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi ích trước mắt đã buôn bán, phân phối hàng nhái, hàng giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. Anh Bùi Minh Hoàng, xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) cho biết, tìm trên mạng thấy đăng bán sập gỗ giá 10 triệu đồng/chiếc, với lời rao là xả hàng cuối năm nên anh đặt mua ngay không tìm hiểu kỹ vì thấy giá quá rẻ. Tuy nhiên, khi giao hàng đến nơi thì sập gỗ không giống với hình ảnh quảng cáo. Tương tự, chị Phan Thị Kim Oanh, phường 1 (quận 8) vừa đặt mua đôi giày thể thao trên một trang thương mại điện tử với lời quảng cáo là hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, khi nhận hàng lại là đôi giày không đúng với kiểu dáng ban đầu.
Đáng nói mới đây, người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh xôn xao khi nhiều người đặt mua điện thoại iphone có giá hàng chục triệu đồng trên các trang mua bán trực tuyến, nhưng khi nhận hàng thì lại là điện thoại đã qua sử dụng, máy bị khóa, thông báo sim không hợp lệ và không thể kích hoạt. Nhiều người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng đành “ngậm ngùi” chấp nhận do đã thanh toán cho đơn vị phân phối thông qua dịch vụ thanh toán trực tuyến. Trong khi đó, đối với những trường hợp đánh tráo hàng hóa, người mua phải tốn rất nhiều thời gian và công sức khiếu nại nhưng chưa chắc được hoàn trả lại tiền.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có tình trạng nhiều doanh nghiệp, cá nhân thuê mặt bằng, nhà kho của các công ty để làm nơi cất giấu hàng lậu, hàng giả mạo các nhãn hiệu uy tín, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng. Nguồn hàng này được phân phối khắp thành phố và các tỉnh lân cận thông qua các trang thương mại điện tử, website mua bán trực tuyến.
Đồng hành cùng người tiêu dùng
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh), từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình vận chuyển, cất trữ, buôn bán hàng hóa nhập lậu và sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tiếp tục có chiều hướng phức tạp. Chính vì vậy, lực lượng Quản lý thị trường thành phố đang thực hiện quyết liệt kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại trong và sau Tết. Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra đột xuất các kho hàng tại số 5, đường Hồ Học Lãm (quận 8), phát hiện gần 52 tấn chỉ không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 38 tấn sợi không có hóa đơn, chứng từ.
Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cũng thông tin, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, nhà phân phối đẩy mạnh bán hàng trực tuyến thông qua các kênh chính thức nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tươi sống để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng kết nối mua bán hàng bảo đảm chất lượng, cuối tháng 1-2021, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng liên minh chuyển đổi số DTS đã công bố ra mắt sàn thương mại điện tử hàng Việt Nam chất lượng cao tại địa chỉ https://hvnclc.chophienonline.vn. Sàn thương mại sẽ hoạt động thường xuyên, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và bán hàng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều nhà bán lẻ tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh bán hàng thông qua các kênh trực tuyến, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cũng đang từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, xây dựng môi trường kinh doanh an toàn. Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh thông tin, đối với công tác chống buôn lậu, gian lận trong hoạt động thương mại điện tử, UBND thành phố vừa yêu cầu các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Thành phố cũng đang từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
“Trong giai đoạn cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đoàn liên ngành quản lý thị trường thành phố liên tục ra quân, bảo đảm người dân có môi trường mua sắm tin cậy. Ngoài ra, khi phát hiện hàng gian, hàng giả, người tiêu dùng có thể gọi điện đến số 028.39322491 để phản ánh”, ông Lê Huỳnh Minh Tú nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.