(HNMO) - Tính đến trưa 3-8, thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị cho 33.474 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 1.026 bệnh nhân nặng đang thở máy, 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 2-8, ghi nhận thêm 170 trường hợp tử vong và có thêm 3.127 bệnh nhân xuất viện. Thành phố đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 và tăng cường năng lực điều trị bệnh nhân nặng.
Tăng tốc độ tiêm vắc xin
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tính đến 8h30 ngày 3-8, thành phố đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 5 cho 920.329 người trên tổng số 930.000 người theo kế hoạch. Trong số này, có 114.101 người trên 65 tuổi, người có bệnh nền. Tốc độ tiêm đã tăng đáng kể trong các ngày 1 và 2-8, với trung bình hơn 144.000 người được tiêm mỗi ngày. Từ ngày 22-7 đến nay, trong đợt tiêm thứ 5 này, toàn thành phố ghi nhận 1.039 ca phản ứng sau tiêm, nhưng tất cả đều an toàn, không có biến chứng nặng.
Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã có nhiều biện pháp tăng tốc độ tiêm vắc xin cho người dân, theo hướng tổ chức linh hoạt các đội tiêm cả cố định và lưu động; không hạn chế số lượng người tiêm mỗi buổi. Đơn cử như tại quận Gò Vấp, ngành y tế tổ chức 5 điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19, tiêm cho mọi công dân từ 18 tuổi trở lên đang sống trên địa bàn. Người trên 65 tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền... không cần đến cơ sở y tế mà được tiêm ngay tại các điểm tiêm cộng đồng, được theo dõi sức khỏe sau tiêm chặt chẽ.
Còn tại quận Tân Phú, ngành y tế triển khai 13 điểm tiêm, bao gồm 11 điểm tại 11 phường và 2 điểm tiêm cho người có bệnh nền và người cao tuổi tại Trường Mầm non Hướng Dương và Bệnh viện quận từ ngày 2-8, đạt số lượng tiêm 8.660 mũi/ngày. Các điểm tiêm đều được bố trí khoa học, đảm bảo quy tắc 5K. Bà Huỳnh Tuyết Mai, 66 tuổi, ngụ tại phường Phú Thọ Hòa, phấn khởi chia sẻ: “Điểm tiêm rất thoáng đãng, mọi người hợp tác với nhân viên y tế để phòng dịch. Tôi rất mừng khi được tiêm. Xin cảm ơn các cấp chính quyền”.
Tại thành phố Thủ Đức, ngoài việc tiếp tục duy trì các điểm tiêm vắc xin cố định, thành phố còn tổ chức các đội tiêm lưu động. Đơn cử, ngày 2-8, đội tiêm lưu động của thành phố đã tiến hành tiêm vắc xin cho 32 trường hợp tại chùa Diệu Giác, phường An Khánh, do trong chùa trước đó phát hiện ca nhiễm Covid-19. Trước đó, thành phố Thủ Đức cũng đưa đội tiêm lưu động đến làm nhiệm vụ trong khu vực phong tỏa tại đường 11, phường Long Bình.
Cùng với duy trì các điểm tiêm, ngày 3-8, thành phố Thủ Đức ra mắt đội xe cấp cứu khẩn cấp, phục vụ công tác điều trị Covid-19 và vận chuyển người gặp biến chứng (nếu có) sau tiêm, qua tổng đài đường dây nóng 1800.1722, với 8 xe, trong đó 6 xe cấp cơ sở và 2 xe cấp thành phố Thủ Đức, do Bệnh viện Lê Văn Thịnh chịu trách nhiệm quản lý, điều hành. Ông Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Lực lượng y tế sẽ thực hiện cấp cứu, hỗ trợ đưa bệnh nhân đến bệnh viện một cách nhanh nhất, không để người dân vì sự thiếu thốn hay chậm trễ mà nguy hiểm đến tính mạng”.
Sau khi kết thúc tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 5, thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai ngay đợt 6, với mục tiêu ngay trong tháng 8-2021, sẽ nâng tổng số người dân thành phố trên 18 tuổi được tiêm lên 5 triệu người. Về chủng loại vắc xin, thành phố đang triển khai tiêm các loại AstraZeneca, Moderna và Pfizer. Về vắc xin của Sinopharm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức thông tin, loại vắc xin này đang được Bộ Y tế thẩm định, nên chưa đưa vào kế hoạch tiêm chủng.
Tăng cường điều trị bệnh nhân nặng
Sáng 3-8, thành phố Hồ Chí Minh đưa thêm 200 giường hồi sức tích cực vào hoạt động tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, nâng tổng số giường điều trị tích cực tại đây lên 500 giường. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi Bộ Y tế bổ sung nhân lực, trang thiết bị, sớm đạt quy mô 1.000 giường như kế hoạch.
Song song với đó, đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế, gồm các bác sĩ Bệnh viện trung ương Huế, đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc khảo sát, lắp đặt thiết bị cho Trung tâm Hồi sức tích cực có quy mô 500 giường bệnh, đặt tại số 2 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú.
Trước đó, đoàn công tác gồm các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai đã lựa chọn Bệnh viện dã chiến số 13, đang được xây dựng tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh) để nâng cấp thành Trung tâm Hồi sức Covid-19 hiện đại. GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Trung tâm hồi sức này có quy mô 500 giường, bao gồm 100 giường được trang bị thở máy, 100 giường thở oxy liều cao”.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh thiết lập, vận hành Trung tâm Hồi sức Covid-19 quy mô 500 giường tại Bệnh viện Quốc tế thành phố (thuộc Tập đoàn Hoa Lâm).
Một doanh nghiệp tư nhân khác là Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cùng Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã nhanh chóng đưa vào hoạt động Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức tại thành phố Thủ Đức từ ngày 2-8, sau 7 ngày chuẩn bị.
TS.BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức thông tin: “Trong giai đoạn đầu, bệnh viện đưa vào hoạt động 100 giường (trong đó có 10 giường hồi sức cấp cứu) bố trí tại tầng 2, 3, 4 của tòa nhà và nâng tổng số lên 200 giường (trong đó có 20 giường hồi sức cấp cứu) vào giai đoạn 2. Chúng tôi đã huy động đội ngũ tình nguyện viên từ lực lượng hơn 3.000 y, bác sĩ, nhân viên y tế tại 15 bệnh viện và 6 phòng khám trong cùng hệ thống Hoàn Mỹ, giúp đảm bảo cho hoạt động điều trị bệnh nhân Covid-19”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.