(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh xác định năm 2021 là năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Phát huy những mặt đã làm được trong thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút nguồn vốn, giữ chân các nhà đầu tư.
Thu hút hiệu quả các nguồn đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh
hiện có 440.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó 96,4% doanh nghiệp trong nước, 3,6% doanh nghiệp nước ngoài. Sự đầu tư của các doanh nghiệp giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế thành phố. Năm 2020, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp 54,7%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 19% vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai, thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư. Đáng chú ý, từ đầu năm 2021 đến nay, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã trao giấy phép đầu tư và chủ trương đầu tư cho 15 dự án, với tổng số vốn đầu tư gần 2,37 tỷ USD (khoảng 54.656 tỷ đồng). Trong đó, dự án có vốn đầu tư lớn là Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City với tổng mức vốn 20.100 tỷ đồng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, do Công ty Lotte Properties HCMC (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.
Một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô lớn đã được tăng vốn đầu tư là dự án nhà máy sản xuất bánh kẹo và kem của Công ty CJ Việt Nam (Hàn Quốc), tăng vốn hơn 20 triệu USD; dự án của Intel Việt Nam (Hoa Kỳ), tăng vốn 475 triệu USD... Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo, cơ chế chính sách của thành phố Hồ Chí Minh trong mở rộng đầu tư, nhất là thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao”.
Việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua đã góp phần nâng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của thành phố Hồ Chí Minh từ nhóm 18 năm 2018 lên nhóm 16 trong năm 2020.
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc
Một trong những biện pháp thu hút đầu tư hiệu quả của thành phố Hồ Chí Minh là việc thành phố thành lập Tổ công tác về đầu tư (Tổ công tác) do Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong làm Tổ trưởng, các thành viên là các Phó Chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo sở, ngành chủ chốt. Tổ công tác đã trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác đầu tư, nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: “Tổ công tác đã kết luận hướng dẫn xử lý vướng mắc cho 92 dự án. Trong đó, có 51 dự án bất động sản, 21 dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, 18 dự án phát triển hạ tầng xã hội, 2 dự án liên quan đến sản xuất. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục duy trì Tổ công tác, nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp”.
Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với một thực tế là việc một số nhà đầu tư trong nước rời thành phố đến các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương... để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh đang cao hơn các địa phương lân cận; mặt khác, quỹ đất dành cho phát triển khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đang dần thu hẹp.
Để giải quyết các vấn đề mới phát sinh, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư để ban hành trước tháng 4-2021. Cùng với đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (trực thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh) và Sở Kế hoạch - Đầu tư đã thành lập bộ phận tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp về những vướng mắc khi tiến hành dự án đầu tư, tập hợp báo cáo để Tổ công tác giải quyết.
Về tăng cường quỹ đất phát triển công nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Chính phủ đã đồng ý cho thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi tổng diện tích 1.999ha đất nông nghiệp sang đất đô thị, đất công nghiệp, hạ tầng giao thông... Thành phố đã làm thủ tục hồ sơ xin thành lập khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, rộng 384ha tại huyện Hóc Môn. Cùng với đó, lãnh đạo thành phố sẽ trực tiếp đến và lắng nghe, giải quyết các vướng mắc cụ thể của từng doanh nghiệp để giữ chân nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu trong năm 2021 thu hút được 5,4 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài và thành lập mới 40.000 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.