Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp

Thanh Tàu| 17/05/2021 17:29

(HNMO) - Trước việc một số khu công nghiệp tại phía Bắc xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra các giải pháp để ngăn chặn và phòng, chống dịch trong các khu chế xuất - khu công nghiệp nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại một doanh nghiệp.

Bảo đảm an toàn cho người lao động

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), thành phố có 17 khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) đang hoạt động với khoảng 276.000 lao động, trong đó gồm 2.611 lao động nước ngoài. Đặc biệt, tỷ lệ thu ngân sách của các KCX-KCN trên địa bàn là 28.000 tỷ đồng/năm, xuất khẩu các mặt hàng khoảng 7 tỷ USD/năm, chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Vì vậy, một đứt gãy trong khâu sản xuất hoặc tạm thời dừng hoạt động của bất kỳ một doanh nghiệp nào sẽ ảnh hưởng đến chính doanh nghiệp và ảnh hưởng đến đóng góp ngân sách cũng như các chỉ số phát triển kinh tế thành phố.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp trên cả nước, Hepza đã phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm tra kết quả tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại 32 doanh nghiệp trong KCX-KCN, giám sát hướng dẫn các doanh nghiệp cam kết cải thiện nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Công nhân khu chế xuất Tân Thuận được lấy mẫu để xét nghiệm Covid-19.

Ông Lý Anh Tài, Giám đốc điều hành Tổng công ty cổ phần Phong Phú cho biết, công ty hiện có 2.000 công nhân và 9 chuyên gia. Công ty luôn yêu cầu các công nhân thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, các chuyên gia sau thời gian cách ly tập trung đủ 21 ngày phải tự cách ly theo dõi tại nhà thêm một tuần. Nhờ những biện pháp quyết liệt này, công ty không có trường hợp nào nằm trong diện F1, F2.

Theo ông Tài, giải pháp của công ty là thời gian làm việc của công nhân được chia thành 3 ca/ngày; kiểm tra, giám sát chặt khai báo y tế đối với công nhân đến từ các tỉnh, thành có dịch, bắt buộc phải sát khuẩn, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sau đó mới được vào cổng công ty. Giờ ăn trưa được phân bổ lệch thời gian giữa các xưởng, có 180 người/ca ăn tại khu vực nhà ăn (rộng 1.800m2) và 100 người/ca ăn tại căng tin (rộng 820m2), bàn ăn được ngăn vách công nhân tiếp xúc trực tiếp với nhau, khoảng cách giữa các bàn ăn cũng được kê theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Chị Nguyễn Thị Hường (quê tỉnh Bến Tre, đang làm việc tại Tổng công ty cổ phần Phong Phú) cho biết: “Mỗi công nhân đều ý thức được việc nguy hiểm của dịch bệnh nên chúng tôi luôn tuân thủ mọi biện pháp của công ty. Không chỉ thế, về gia đình và khu dân cư, mọi người đều thực hiện nghiêm túc 5K".

Triển khai nhiều giải pháp

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý Hepza cho biết, Hepza đã chủ động cùng tổ chức công đoàn xây dựng phương án ứng phó; tuyên truyền công nhân thường xuyên thực hiện theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Đặc biệt, Hepza đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và trung tâm y tế các quận, huyện tổ chức lấy mẫu tầm soát diện rộng công nhân bên trong nhà xưởng, kể cả nơi lưu trú của công nhân. Đến nay đã lấy được 18.600 mẫu và đang tiếp tục lấy mẫu.

Mọi trường hợp công nhân xin nghỉ phép, ra khỏi thành phố, đều phải có ý kiến của người quản lý nhân sự doanh nghiệp để trong trường hợp cần thiết sẽ tiện cho việc truy vết. Khi thực hiện khai báo y tế phải trung thực để bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng. Các doanh nghiệp thực hiện tốt việc bố trí, phân luồng khu nhà ăn cho nhân viên, phân số thứ tự, ngồi cố định để tiện theo dõi; chủ động bố trí nhà cách ly tạm thời.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân làm việc tại Công ty TNHH Kim May Organ Việt Nam.

Để tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu, Hepza cần sớm tiếp nhận phần mềm khai báo của Sở Y tế thành phố và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông ứng dụng vào đường truyền của các doanh nghiệp để đồng bộ việc khai báo y tế, giúp quản lý dễ dàng.

Cùng với đó, UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện có các doanh nghiệp của Hepza, cũng như các doanh nghiệp có quy mô lao động lớn đóng trên địa bàn phải có cam kết giữa chính quyền địa phương với Hepza và người quản lý doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch, nếu không tuân thủ, buộc phải tạm ngừng hoạt động.

“Việc doanh nghiệp chấp hành quy định phòng, chống dịch chính là bảo vệ sản xuất, bảo vệ công ăn việc làm cho công nhân. Thực hiện quyết liệt được điều này, sẽ góp phần giữ vững được sự đóng góp của doanh nghiệp đối với sự phát triển của thành phố”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.