Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường khám bệnh tại nhà

Thu Hoài| 28/08/2020 07:24

(HNM) - Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. Đặc biệt, khi nhiễm Covid-19, nhóm đối tượng này có nguy cơ bị nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Trước tình hình đó, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã kích hoạt trở lại việc khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính.

Khám bệnh tại nhà để hạn chế lây nhiễm Covid-19 cho người cao tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngô Bình

Bảo vệ người bệnh có nguy cơ cao

Để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 cho người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, ngày 20-8 vừa qua, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 4770/SYT-NVY gửi đến các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố về triển khai 10 giải pháp tăng cường bảo vệ người bệnh có nguy cơ cao trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, giải pháp thứ 10 nêu rõ: “Tổ chức khám chữa bệnh tại nhà đối với người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính không lây theo hướng dẫn của Sở Y tế; tăng cường kết nối giữa các bác sĩ khám chữa bệnh tại nhà với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện tuyến cuối để hội chẩn từ xa, tư vấn chuyên môn từ xa”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thực hiện Công văn số 4770/SYT-NVY, đến ngày 24-8, đã có tổng cộng 20 bệnh viện quận, huyện; 2 trung tâm y tế quận (quận 5 và quận 10); 30 trạm y tế phường, xã đã đăng ký triển khai khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính”.

Việc thực hiện khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến vẫn phức tạp được nhiều người đồng tình ủng hộ.

Ông Phạm Văn Dương, 75 tuổi, ở số 60/68 Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng (quận 7) từng bị phẫu thuật cắt một bên thận, phải điều trị định kỳ chức năng thận và một số bệnh nền khác tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện quận 7. Chia sẻ về việc được khám chữa bệnh tại nhà, ông Phạm Văn Dương kể: “Ngày 25-8 vừa qua, tôi được các bác sĩ khám định kỳ tại nhà rất ân cần và kê đơn thuốc dùng trong 2 tháng. Tôi thực sự cảm thấy yên tâm khi không phải đến bệnh viện khám như trước, hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19”.

Cầm trên tay địa chỉ Trạm Y tế xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi), có cả số điện thoại cố định và di động để liên hệ, bà Phạm Thị Thịnh, 67 tuổi ở tại xã Phạm Văn Cội, bày tỏ: “Người già như chúng tôi rất phấn khởi khi thành phố Hồ Chí Minh triển khai dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhà. Với những thông tin đầy đủ như thế này, chúng tôi dễ dàng liên hệ với các y, bác sĩ khi cần khám, chữa bệnh tại nhà, không phải ra trạm y tế hay bệnh viện nữa”.

Đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa

Theo thông tin từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, quy trình khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi lần này có 3 điểm mới so với đợt trước (tháng 4-2020): Các bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ đảm đương việc khám, chữa bệnh tại nhà cho những trường hợp người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính khi có yêu cầu ngoài giờ hành chính hoặc ngày nghỉ...; khi khám, chữa bệnh tại nhà, các trạm y tế được hỗ trợ kết nối hệ thống trao đổi chuyên môn qua mạng với các bác sĩ tuyến trên để được tư vấn trực tuyến; các cơ sở khám, chữa bệnh cấp phát cơ số thuốc điều trị bệnh mạn tính tối đa không quá 3 tháng.

Y sĩ Trần Quỳnh Như, Trạm Y tế phường 16 (quận Gò Vấp) cho biết: “Thời gian qua, trạm y tế phường đã được thí điểm thực hiện thăm khám, chữa bệnh cho người cao tuổi tại nhà, trao đổi chuyên môn từ xa với các bác sĩ tuyến trên. Điều này mang lại nhiều tiện lợi cho người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính”.

Thực hiện Công văn số 4770/SYT-NVY, nhiều cơ sở y tế tại thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý người bệnh, phục vụ khám, chữa bệnh từ xa. Đơn cử, Bệnh viện quận Thủ Đức đã áp dụng mô hình “Bệnh viện số”. Mỗi người bệnh đều có bệnh án số, giúp các bác sĩ tra cứu nhanh chóng, chính xác tiền sử bệnh cũng như quá trình điều trị của bệnh nhân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, kiêm Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ cho rằng, mô hình này giúp quản lý, phân loại người bệnh, phục vụ việc khám, chữa bệnh hiệu quả và an toàn.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 14 ca nhiễm Covid-19 đang điều trị trong các cơ sở y tế. Mặc dù ngành Y tế thành phố chưa phát hiện dấu hiệu lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng, song trong phát biểu chỉ đạo mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tiếp tục yêu cầu: “Tuyệt đối không lơ là, chủ quan để xảy ra dịch bệnh tại bệnh viện. Kích hoạt chương trình khám tại nhà cho người trên 60 tuổi và công khai danh sách các bệnh viện khám tại nhà. Huy động các y bác sĩ giỏi để điều trị cho các ca nhiễm, không để xảy ra tử vong, không để lây nhiễm chéo cho cán bộ y tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường khám bệnh tại nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.