(HNM) - Thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã có những sáng kiến, ý tưởng hay từ việc tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, trong đó có mạng xã hội để tăng cường kết nối, hỗ trợ người dân. Phát huy kết quả đạt được, các cấp chính quyền thành phố sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc làm này để ngày một gần dân hơn.
Tăng tính tương tác trên mạng xã hội
Sáng 5-6, ông Đào Văn Hân (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) gửi đến Zalo của UBND phường Linh Trung tin nhắn: “Tôi đang cần sao y một bộ hồ sơ gồm bằng cử nhân đại học và một số chứng chỉ Anh văn, tin học”. Lập tức, ông Hân nhận được phản hồi: “UBND phường Linh Trung tiếp nhận nội dung. UBND phường sẽ cử nhân viên xuống nhận hồ sơ và giải quyết...”. Sau khoảng 15 phút thực hiện các quy trình nội bộ, yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của ông Hân đã hoàn tất.
Truy cập trang Facebook của UBND quận 12 vào sáng 5-6, phóng viên Báo Hànộimới được biết các thông tin trên trang này liên tục được cập nhật. Ví dụ như tin: "Khu vực ngã ba đường Bùi Công Trừng luôn ách tắc giao thông vì bị lấn chiếm lòng đường để buôn bán, nhất là khi không có lực lượng chức năng". Ít phút sau, quản trị trang Facebook trả lời: “Chào anh/chị, chúng tôi sẽ chuyển ý kiến phản ánh của anh/chị đến đơn vị chức năng giải quyết. Trân trọng!”.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận 12 cho biết, trang Facebook UBND quận 12 được lập ra từ tháng 11-2015, đưa quận 12 trở thành địa phương đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh có trang Facebook tương tác với người dân. "Hiện trang có hơn 31.500 người theo dõi. Trung bình mỗi tháng có hơn 614.000 lượt tiếp cận bài viết, gần 75.000 lượt tương tác. Ngoài ra, UBND quận 12 còn có các kênh tương tác khác như: Trang tin điện tử, tài khoản Zalo UBND quận và tiếp nhận phản ánh trên cổng dịch vụ công trực tuyến", ông Nguyễn Hữu Hiệp thông tin.
Đặc biệt, sau 7 tháng "Khảo sát, tiếp nhận ý kiến của nhân dân góp phần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước", theo Kế hoạch số 305-KH/TU (ngày 29-8-2019) của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, các cấp, ngành của thành phố đã tiếp nhận hàng nghìn ý kiến tâm huyết của các tầng lớp nhân dân thành phố. Trong số này, có nhiều ý kiến được gửi đến các cấp chính quyền thông qua các tiện ích của mạng xã hội.
Trao đổi về việc này, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, các cấp chính quyền nhiều quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng hiệu quả những tiện ích mạng xã hội vào giải quyết công việc. Việc làm này nhằm giảm bớt phiền hà cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính hoặc khi phản ánh bức xúc sẽ đến ngay với cơ quan chức năng; đồng thời tạo được niềm tin tưởng của người dân thành phố.
Kết nối mọi lúc, mọi nơi
Đánh giá về việc này, ông Huỳnh Kim Tước (phường Linh Trung, quận Thủ Đức), là tác giả công trình nghiên cứu "Kinh tế sáng tạo dẫn dắt tăng trưởng", hiến kế để phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh, nói: "Chính quyền cởi mở, người dân dễ dàng tiếp cận, tương tác và phản ánh thông tin. Tôi thấy cách làm này cần được đẩy mạnh hơn nữa để khuyến khích người dân hiến kế nhiều hơn cho thành phố".
Để tăng sự tương tác giữa người dân và chính quyền, thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh rất chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin. Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Báo chí thành phố thông tin, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn đã được kết nối đến 100% sở, ngành, quận, huyện. Bên cạnh đó, thành phố còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác xử lý các phản ánh về vi phạm, hướng dẫn, tra cứu thủ tục hành chính.
Về các giải pháp thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, quan điểm của UBND thành phố về việc thông tin công việc của địa phương tới người dân là rất quan trọng, để người dân hiểu, đồng thuận, tham gia tích cực cùng với chính quyền các cấp. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các quận, huyện cần đẩy mạnh hơn nữa việc tương tác, kết nối người dân và chính quyền mọi lúc, mọi nơi, với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.
"Thành phố sẽ tạo mọi nền tảng công nghệ thông tin thuận lợi để tiếp nhận những phản ánh, thắc mắc của người dân và kịp thời có giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém. Chính quyền thành phố trân trọng những ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, để chính quyền và người dân cùng nhau xây dựng thành phố văn minh, nghĩa tình và là nơi đáng sống", ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.