Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Sôi động hoạt động phát triển kinh tế

Trọng Ngôn| 07/01/2022 06:49

(HNM) - Năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5%. Ngay từ đầu năm 2022, các hoạt động kinh tế của thành phố diễn ra sôi động. Chính quyền thành phố khẳng định tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để chung tay đưa kinh tế thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean (thành phố Hồ Chí Minh).

Dồn lực sản xuất, tạo đà tăng trưởng

Năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tác động nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội. Thành phố đã phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ. Thời điểm này, các doanh nghiệp thuộc ngành lương thực, thực phẩm bắt đầu đẩy mạnh sản xuất để tăng sản lượng hàng hóa phục vụ cao điểm mua sắm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang đối mặt không ít khó khăn như nhiều nguyên liệu đầu vào tăng giá trên 10%; sức mua dịp Tết năm 2022 dự báo giảm 20% so với năm ngoái...

Vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã lấy lại khí thế sản xuất. Đơn cử, Công ty cổ phần Sài Gòn Food (Saigon Food) đang đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thực phẩm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022. Công ty cũng đã dự trữ 3.000 tấn thành phẩm, tăng hơn 2% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021. Phó Tổng giám đốc Saigon Food Nguyễn Thị Thu Trinh cho biết, công ty bảo đảm sản lượng đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, giá cả giữ ổn định. Để chủ động nguồn nguyên liệu, Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) vừa đưa vào vận hành nhà máy chăn nuôi công nghệ cao phục vụ sản xuất hàng thực phẩm dịp Tết. Phó Tổng Giám đốc V.Food Trương Chí Cường cho biết, hiện công ty đang đa dạng hóa chủng loại sản phẩm để thích ứng với nhu cầu thị trường hiện nay.

Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho hay, mùa mua sắm dịp Tết Nguyên đán là khoảng thời gian quan trọng trong năm để doanh nghiệp dồn lực sản xuất phục vụ tiêu dùng, tạo đà cho sự phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm mới.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, ngay từ đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã dồn lực để sản xuất đáp ứng các đơn hàng đến quý II, quý III-2022. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) Phạm Văn Việt, nhằm bảo đảm nguồn lao động sản xuất phục vụ xuất khẩu sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, công ty đã đưa xe về tận các địa phương để đón công nhân quay trở lại nhà máy làm việc.

Kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường

Hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, có thị trường tiêu thụ thì sản xuất mới có cơ hội phát triển. Dù khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vẫn có các chính sách kích cầu tiêu dùng thông qua hình thức khuyến mại, giảm giá. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ Súc sản (Vissan) Phan Văn Dũng thông tin, công ty có chính sách giảm giá sâu vào những ngày cuối tuần, đặc biệt là những ngày cận Tết Nguyên đán (giảm giá 20-30%).

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để đưa hàng hóa xâm nhập sâu hơn các thị trường Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ. Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cho hay, ngành Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA. Các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn đang tập trung ổn định lực lượng lao động để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn.

Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tùy vào tình hình dịch bệnh, cơ quan này sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức kết nối cung - cầu trực tiếp thông qua các hội chợ kích cầu tiêu dùng hoặc trên nền tảng thương mại điện tử. Trong tương lai, thương mại điện tử sẽ là kênh phân phối chủ đạo để hàng hóa của các doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng các chương trình, kế hoạch thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi dây chuyền sản xuất hiện đại, giảm thâm dụng lao động, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số toàn diện nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp các khoản vay lớn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ thiết kế, sản xuất ra sản phẩm mang hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, chặng đường phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phía trước cần hệ thống các giải pháp đồng bộ với tầm nhìn dài hạn. Thành phố chủ động kiến tạo nền tảng phục hồi và phát triển bền vững, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, tháo gỡ vướng mắc các dự án đầu tư tư nhân, huy động nguồn lực xã hội vào công cuộc phục hồi kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Sôi động hoạt động phát triển kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.