Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Nhóm phóng viên| 23/07/2021 11:56

(HNMO) - Hôm nay, 23-7, là ngày thứ 15 thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để phòng, chống dịch Covid-19. Với những biện pháp quyết liệt, thành phố đã đạt được những kết quả ban đầu khả quan. Thành phố sẽ tiếp tục giãn cách trong 15 ngày tới với những biện pháp quyết liệt hơn, nhằm khống chế hoàn toàn và tiến tới đẩy lùi dịch Covid-19 trên địa bàn.

Số ca nhiễm Covid-19 trong 14 ngày qua tăng trong vùng phong tỏa, cách ly, nhưng giảm trong cộng đồng.

Nhìn lại 14 ngày chống dịch

Tính đến sáng 23-7, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 48.800 ca Covid-19 trong đợt dịch thứ 4. Có gần 500 bệnh nhân nặng, phải thở máy. Có 9 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (tim, phổi nhân tạo). Số ca tử vong là hơn 330 trường hợp.

Từ ngày 9-7, toàn thành phố Hồ Chí Minh bước vào cao điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh trên địa bàn có hàng chục ổ lây nhiễm Covid-19. Có những chuỗi lây lên đến hàng trăm bệnh nhân Covid-19. Chỉ trong 15 ngày, hàng loạt vấn đề lớn xảy ra, các quyết sách ứng phó cũng nhanh chóng được điều chỉnh để phù hợp tình hình. Cụ thể, về cách ly, điều trị F0, từ mô hình “tháp 3 tầng” của Bộ Y tế (tầng 1 dành cho F0 nhẹ, tầng 2 cho bệnh nhân có diễn tiến bệnh, tầng 3 cho bệnh nhân nặng), thành phố đã chuyển sang mô hình 5 tầng điều trị, tổng quy mô hơn 50.000 giường (tầng 1 tại quận, huyện và thành phố Thủ Đức, thu dung điều trị F0 không triệu chứng; tầng 2 là bệnh viện dã chiến, điều trị F0 có triệu chứng, có bệnh nền; tầng 3 là các bệnh viện điều trị Covid-19, thu dung F0 diễn tiến trung bình và nặng; tầng 4 là các bệnh viện chuyên khoa hạng 1, điều trị F0 diễn tiến nặng, có bệnh lý đi kèm trở nặng; tầng 5 là bệnh viện quyết cuối, chuyên điều trị F0 nguy kịch, giảm thiểu ca tử vong).

Với việc phân tầng này, đã có gần 200 ca F0 nguy kịch được cứu sống, chuyển xuống các cơ sở tuyến dưới tiếp tục điều trị. Thành phố đã triển khai cho khoảng 2.000 ca F1 không tiếp xúc trực tiếp với F0 được cách ly tại nhà; thí điểm cho F0 nhẹ, đã điều trị 8 ngày tại cơ sở y tế, có xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc dương tính, nhưng tải lượng vi rút thấp (CT lớn hơn hoặc bằng 30) được về nhà theo dõi, vì không còn khả năng lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh thành lập nhiều bệnh viện dã chiến trong các khu chung cư chưa có người ở và tăng cường hệ thống y tế phòng dịch Covid-19 lên đến hơn 50.000 giường.

Trong 5 ngày qua, thành phố không phát hiện thêm ổ dịch trong cộng đồng. Số ca Covid-19 tăng cao trong các khu vực cách ly, phong tỏa, nhưng lại có xu hướng giảm rõ rệt trong cộng đồng. Điều này chứng tỏ ngành Y tế đã khoanh trúng các vùng dịch, tiến tới khống chế dịch bệnh.

Về an sinh xã hội, thành phố Hồ Chí Minh đã giải ngân xong gói hỗ trợ lần 2 trị giá 886 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, trợ giúp nhóm người yếu thế trong xã hội (xe ôm, xe công nghệ, người bán vé số, người giúp việc nhà, lao động tự do bị mất việc…); người lao động, người sử dụng lao động, bà con tiểu thương… phải ngưng hoạt động do dịch Covid-19. Hiện các cấp, các ngành của thành phố tiếp tục bổ sung diện đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội; tăng nhanh tốc độ chi trả trợ cấp theo chủ trương của Chính phủ.

Về ổn định tình hình cung ứng thực phẩm cho người dân, thành phố Hồ Chí Minh trải qua 7 ngày đầu giãn cách khó khăn về nguồn cung thực phẩm, nhất là rau xanh, do các địa phương vùng nguyên liệu cũng áp dụng giãn cách xã hội quyết liệt để phòng dịch, dẫn tới việc thu mua từ địa phương, vận chuyển về thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cả 3 chợ đầu mối và hơn 200 chợ dân sinh tại thành phố Hồ Chí Minh phải đóng cửa do xuất hiện ca Covid-19 trong cộng đồng, khiến hệ thống phân phối, bán lẻ thực phẩm bị đứt gãy, trong bối cảnh hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ đáp ứng đủ 1/7 nhu cầu của người dân.

Bằng các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các bên, với sự điều tiết chung của các bộ, ngành trung ương và 19 tỉnh thành phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16, nguồn cung ứng thực phẩm từ Nam Tây Nguyên, Đông và Tây Nam Bộ về thành phố đã được khơi thông. Hệ thống siêu thị đã tăng năng lực đáp ứng 80% nhu cầu của người dân. Hiện 40 chợ truyền thống đã hoạt động trở lại, với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Các chợ đầu mối cũng từng bước nối lại hoạt động phù hợp với tình hình. 

Tiếp tục tăng cường phòng dịch trong 14 ngày tới

 Hệ thống siêu thị và phân phối bán lẻ tại thành phố Hồ Chí Minh đã được huy động triệt để, chấm dứt tình trạng khan hiếm và tăng giá thực phẩm trên địa bàn.

Ngày 22-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã ký ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg cả Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. 

Cụ thể, trong các khu phong tỏa, thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình"; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị do chính quyền địa phương cấp).

Đối với một số khu vực có nguy cơ rất cao thì từng hộ dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà. Trong các khu cách ly, người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế). Các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao, thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách giữa cá nhân với cá nhân. Đối với các gia đình có ca F0, F1 thực hiện cách ly tại nhà thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế); lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà.

 Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt kiểm soát dịch trong khu phong tỏa, hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người với người trong khu vực này.

Chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn. Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn, tuân thủ nghiêm nguyên tắc "3 tại chỗ" và "một cung đường, hai điểm đến". Cơ quan Nhà nước làm việc luân phiên cách ngày hoặc cách buổi...

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.