Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Sẵn sàng cho năm học mới

Thanh Tàu| 22/08/2022 07:50

(HNM) - Ngày 22-8, học sinh các cấp học tại thành phố Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu năm học 2022-2023; riêng bậc học mầm non sẽ đến trường muộn hơn một tuần. Mặc dù còn nhiều khó khăn như việc tuyển dụng thêm giáo viên, đầu tư cơ sở hạ tầng..., song ngành Giáo dục thành phố đã có nhiều giải pháp để sẵn sàng cho năm học mới thắng lợi.

Các đại biểu tham quan Trường Mầm non quận 3 (thành phố Hồ Chí Minh) với 8 phòng học được đầu tư, xây mới từ ngân sách thành phố.

Còn những khó khăn

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2022-2023, thành phố tăng thêm 21.825 học sinh, tập trung nhiều ở 2 bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Áp lực này khiến sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn quy định, các điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Đơn cử, tại quận Bình Tân, năm học mới tăng 4.000 học sinh so với năm trước. Bí thư Quận ủy Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp cho biết, hiện nhu cầu xây thêm trường học của quận là rất cấp bách. Do đó, quận đề xuất thành phố bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để xây dựng các dự án trường học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập.

Tương tự, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cho biết, 100% học sinh khối lớp 1, 2, 3 ở khu vực 1, 2 (quận 2 và quận 9 cũ) được học 2 buổi/ ngày. Tuy nhiên, đối với khu vực 3 là quận Thủ Đức cũ, do số lượng người dân nhập cư cao, học sinh đông, các trường đều thiếu phòng học. Nhiều trường đã phải tận dụng các phòng chức năng để giảng dạy tùy theo từng bộ môn, xây dựng thời khóa biểu linh hoạt nhằm tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có.

Còn khó khăn nữa là năm học mới, thành phố Hồ Chí Minh thiếu giáo viên tiếng Anh và tin học cho bậc tiểu học và giáo viên các môn nghệ thuật ở bậc trung học. Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (quận 3) Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa cho hay, đối với nhóm môn nghệ thuật, gồm: Âm nhạc, mỹ thuật, do trường không có giáo viên nên chưa thể mở lớp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm nay. Về vấn đề này, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Hồ Tấn Minh cho hay, năm học mới, thành phố cần tuyển khoảng 5.200 giáo viên, trong đó bậc mầm non cần 892, tiểu học 2.355, trung học cơ sở 1.698 và trung học phổ thông là 296.

Cơ hội để thay đổi và phát triển

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, để chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương đã triển khai nhiều dự án xây mới trường, lớp. Toàn thành phố tiếp tục đưa vào sử dụng 35 dự án với 575 phòng học với tổng mức đầu tư 1.532 tỷ đồng. Về tuyển giáo viên, ngành Giáo dục thành phố đang triển khai tuyển đợt 1 (từ cuối tháng 7-2022 đến nay). Đợt 2 dự kiến tổ chức tuyển từ tháng 10-2022. Riêng các đơn vị đã được phân cấp tuyển dụng và tự chủ tài chính thì được tổ chức tuyển dụng theo khả năng và nhu cầu.

Về tình trạng thiếu giáo viên dạy âm nhạc và mỹ thuật; giáo viên tiếng Anh và tin học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã hướng dẫn các đơn vị chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký hợp đồng lao động ngắn hạn với điều kiện giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, Sở đã phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các khóa đào tạo giáo viên, kết hợp đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để có thêm nguồn nhân lực… Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10) Huỳnh Thanh Phú cho hay, trường đang thông báo tuyển dụng 7 giáo viên cho 6 bộ môn. Mục tiêu của trường là phải tuyển được giáo viên có năng lực cho công tác giảng dạy.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, dù còn khó khăn sau giai đoạn chống dịch Covid-19, tuy nhiên, năm học mới cũng là cơ hội để ngành Giáo dục thành phố sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kho học liệu số, bài giảng điện tử.

Cũng trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục thành phố sẽ biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để thay đổi và phát triển. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của HĐND thành phố dành cho giáo dục; tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố các chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên; tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đột phá để giáo dục và đào tạo thành phố hội nhập và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Sẵn sàng cho năm học mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.