(HNMO) - Ngay tuần đầu tháng 7-2020, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tại thành phố Hồ Chí Minh tăng vọt so với tháng 6. Tuy số người mắc vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2019, nhưng ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh không chủ quan với dịch bệnh.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), trong 6 tháng đầu năm 2020, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn thành phố chỉ bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, sang tuần đầu tháng 7, số người đến khám và nhập viện vì 2 bệnh này đều tăng mạnh, trong đó bệnh sốt xuất huyết tăng 59 ca; địa bàn xuất hiện ca bệnh cũng tăng từ 114 lên 144 phường/xã. Với bệnh tay chân miệng, số ca tăng thêm là 50. Số địa bàn có ca bệnh tăng từ 72 lên 97 phường/xã.
Mặc dù con số này vẫn thấp hơn cùng kỳ tháng 7-2019, nhưng với sự biến động nhanh như vậy, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh dự báo mùa cao điểm của sốt xuất huyết và tay chân miệng đã quay lại.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thuộc HCDC - cho biết: “Số bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong những tuần tới và có thể đạt đỉnh dịch vào khoảng tháng 10, tháng 11. Còn bệnh tay chân miệng có thể tăng mạnh vào tháng 8, tháng 9. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất”.
Lo lắng trước nguy cơ dịch bệnh, nhất là với trẻ em, chị Nguyễn Thị Thúy, 27 tuổi, giáo viên mầm non tại quận 12 chia sẻ: “Năm nay nghỉ hè muộn. Chúng tôi mong muốn được hướng dẫn để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh trong trường học”.
Triển khai nhiều biện pháp
Trước nguy cơ bùng phát mạnh các bệnh truyền nhiễm, HCDC đã triển khai nhiều giải pháp khả thi để phòng, chống bệnh. Đối với sốt xuất huyết, thành phố triệt để thực hiện kiểm soát điểm nguy cơ gây bệnh, vì đây là giải pháp phù hợp nhất cho một thành phố đông dân, đa dạng về thành phần kinh tế - xã hội, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh.
HCDC đã hướng dẫn các cơ sở y tế phường, xã phân loại, quản lý các điểm nguy cơ, thông qua ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý kiểm soát bệnh truyền nhiễm).
Mô tả rõ hơn về phần mềm tiện ích này, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, ứng dụng GIS thể hiện dữ liệu dưới dạng bản đồ. Tùy vào thời gian mắc bệnh và mức độ nguy hiểm, vị trí của người mắc sốt xuất huyết sẽ hiển thị những màu sắc khác nhau trên bản đồ (màu đỏ - nguy hiểm; màu xanh - an toàn…).
Căn cứ vào màu sắc và những số liệu đi kèm, cơ quan chức năng dễ dàng đánh giá mức độ lây lan của dịch bệnh, từ đó đưa ra biện pháp ngăn chặn, dập dịch hiệu quả.
Song song với đó, nhằm phát động và lan tỏa phong trào diệt muỗi, diệt bọ gậy tới mỗi người, mỗi hộ dân, HCDC đã phát động cuộc thi ảnh "Khoảnh khắc phòng, chống sốt xuất huyết". Sau một tháng phát động, tính đến sáng 14-7, Ban tổ chức đã nhận được 707 ảnh của 331 tác giả từ 8 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi tham dự.
Biết tin về cuộc thi, chị Đào Thùy Trang, ngụ tại phường Tân Thuận Tây (quận 7), hào hứng nói: “Tôi và mọi người trong nhà sẽ tham gia. Tôi chụp cảnh khu dân cư vệ sinh xóm, phố, phát quang bụi rậm, còn em tôi chụp ảnh mọi người lật úp những vật dụng chứa nước, không để chỗ cho bọ gậy sinh sôi”.
Với bệnh tay chân miệng, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga nhận định, số ca bệnh giảm từ đầu năm nay là do ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông về rửa tay đúng cách, phòng, chống dịch Covid-19, nên bệnh tay chân miệng cũng không có nguy cơ lây lan.
“Nếu cộng đồng tiếp tục duy trì các biện pháp dự phòng không dùng thuốc, đặc biệt là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chúng ta vẫn có thể kiểm soát được bệnh tay chân miệng, không để lây lan thành dịch”, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.