Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Phục hồi kinh tế trên nguyên tắc an toàn

Trọng Ngôn| 22/09/2021 07:21

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch phục hồi kinh tế trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt theo kết quả phòng, chống dịch Covid-19, dần thích nghi với trạng thái của dịch bệnh để tiến tới mở lại toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh từ sau ngày 15-1-2022. Hiện, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài phải thu hẹp để phòng, chống dịch.

Công nhân Công ty 3D Hub Global, quận Tân Phú (thành phố Hồ Chí Minh) sản xuất trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh

Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA), từ ngày 16-9 đến 30-9, các doanh nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) có thể áp dụng 1 trong 3 phương thức sản xuất là: “4 xanh” (người lao động xanh, cung đường xanh, nơi sản xuất xanh và vùng sản xuất xanh); “3 tại chỗ” (làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) hoặc kết hợp giữa “4 xanh” và “3 tại chỗ”. Đây cũng là các phương thức hoạt động được thực hiện ở Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi). Ngoài ra, các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” còn được đổi kíp công nhân để lực lượng lao động cũ có thời gian nghỉ ngơi.

Cũng theo HEPZA, kế hoạch trên được triển khai sau khi quận 7, huyện Củ Chi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Hết thời gian thí điểm trên, HEPZA sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương để xem xét áp dụng mở rộng phạm vi thí điểm các phương thức tổ chức sản xuất phù hợp. Chị Nguyễn Thị Mai Nhiệm, công nhân Công ty TNHH Nissey Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận) cho biết: “Do công ty thu hẹp sản xuất để phòng, chống dịch nên tôi phải tạm ngừng công việc gần 3 tháng nay. Giờ tôi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và sắp được đi làm trở lại. Tôi rất mừng!”.

Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây (đóng trụ sở tại Khu chế xuất Tân Thuận) Lê Thị Giàu chia sẻ: “Công ty đang theo dõi các quyết định của thành phố về lộ trình mở lại hoạt động kinh tế để chuẩn bị kế hoạch tăng thêm số lượng lao động, mở rộng quy mô sản xuất”. Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ công nghệ tin học HPT (thành phố Thủ Đức) Ngô Vi Đồng thông tin, để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, công ty đang chuyển sang trạng thái “sống chung với Covid-19” bằng cách tăng cường nguồn lực y tế tại chỗ.

Thông tin thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị kế hoạch phục hồi kinh tế khiến cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi sau thời gian phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group (quận Phú Nhuận) Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, việc sản xuất, kinh doanh trở lại giúp công ty phát triển thị trường nội địa, đặc biệt là phân phối sản phẩm vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ tại thành phố Hồ Chí Minh.

An toàn đến đâu, mở đến đó

Để mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế, 14 hiệp hội doanh nghiệp đại diện nhiều ngành hàng chủ lực của cả nước vừa đề xuất với Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động. Trong đó, đề xuất Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị phòng, chống dịch mới phù hợp với mục tiêu và tình hình mới là “sống chung với Covid-19” thay thế các chỉ thị ban hành trong năm 2020.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), kế hoạch phục hồi kinh tế của thành phố được cộng đồng doanh nghiệp tích cực đóng góp ý kiến và mong muốn kế hoạch này hỗ trợ tối đa cho hoạt động tái sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp của thành phố nhất trí với nguyên tắc an toàn tới đâu, mở tới đó.

UBND thành phố Hồ Chí Minh thông tin, quá trình phục hồi kinh tế của thành phố cần nguồn lực rất lớn, ước tính khoảng 8 tỷ USD và mất 6-9 tháng. Do đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho thành phố ở mức 23% để thành phố có thêm nguồn lực phục hồi nhanh và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trung ương. Dự kiến kế hoạch phục hồi kinh tế của thành phố theo 3 giai đoạn: Giai đoạn một từ ngày 1-10 đến 31-10; giai đoạn hai từ ngày 1-11 đến 15-1-2022; giai đoạn ba từ sau ngày 15-1-2022. Từ giai đoạn ba, thành phố sẽ mở lại tất cả các hoạt động của nền kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố xác định nguyên tắc là mở cửa an toàn từng bước, tiến tới mở lại tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân thành phố trên nguyên tắc “bảo đảm an toàn mới cho mở lại và cho mở lại phải bảo đảm an toàn”. Quá trình phục hồi kinh tế theo hướng dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh với thông điệp “sống khỏe trong môi trường có dịch”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Phục hồi kinh tế trên nguyên tắc an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.