(HNMO) - Ngày 21-12, Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thông tin về công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, trong năm 2022, nhằm đánh giá chất lượng thực phẩm lưu thông trên địa bàn thành phố, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy tổng cộng 10.581 mẫu kiểm tra. Kết quả 10.339 mẫu đạt (tỷ lệ 97,71%) và 242 mẫu không đạt (tỷ lệ 2,29%).
Về công tác giám sát điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn đã triển khai giám sát an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với 194 cơ sở chế biến suất ăn sẵn. Kết quả có 53 cơ sở đạt, 5 cơ sở không đạt, 32 cơ sở bổ sung hồ sơ, 13 cơ sở tạm ngưng hoạt động, 91 cơ sở ngưng hoạt động.
Cơ quan chức năng cũng đã thực hiện giám sát 104 cơ sở bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao có 72 cơ sở đạt, 4 cơ sở không đạt (chuyển thanh tra theo dõi, xử lý), 28 cơ sở ngưng hoạt động/tạm ngưng hoạt động/không tổ chức bếp ăn.
Đặc biệt, thanh tra, kiểm tra 36.286 lượt cơ sở chế biến thực phẩm khác, phát hiện 6.101 cơ sở vi phạm, xử phạt 1.046 cơ sở với tổng số tiền gần 15,5 tỷ đồng, tịch thu/tiêu hủy 17.481 kg và 140.065 đơn vị sản phẩm thực phẩm không bảo đảm chất lượng/không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép 1 cơ sở; chuyển cơ quan điều tra xử lý 8 cơ sở, đang tiếp tục xử lý 1 cơ sở, nhắc nhở 5.053 cơ sở chủ yếu kinh doanh thức ăn đường phố.
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố, công tác thanh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và huy động lực lượng, phương tiện tăng cường công tác kiểm tra nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, nên đã kịp thời ngăn chặn thực phẩm bẩn đến tay người tiêu dùng. Đây là những ưu điểm sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.