Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Ổn định hàng hóa tiêu dùng thiết yếu

NGUYỄN LÊ| 20/03/2020 07:24

(HNM) - Mặc dù chịu tác động khó tránh khỏi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân ở tất cả hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn ổn định về số lượng, chủng loại và giá cả. Còn tại các chợ truyền thống, một số mặt hàng có tăng giá nhẹ. Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại thành phố Hồ Chí Minh những ngày qua cho thấy, nhìn chung người dân sẽ không bị ảnh hưởng, không xáo trộn đời sống.

Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân ngay cả trong tình huống dịch Covid-19 lan rộng.

Giá tại siêu thị giảm, giá tại chợ tăng nhẹ

Có mặt tại siêu thị Co.opmart trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 mới đây, chị Bùi Phạm Thúy Nga (ngụ huyện Nhà Bè) cho biết, chị vừa mua xúc xích, gạo, mì gói, cá hộp, thịt hộp và thấy giá giảm ít nhất 15% so với trước đây, có mặt hàng giảm giá tới 45%. Còn chị Lưu Thị Cẩm Vân (ngụ quận 8) cho hay, chị vừa mua các mặt hàng tươi sống như thịt lợn, thịt gà, trái cây... và thấy giá cũng giảm tương tự.

Trái với thông tin hàng hóa khan hiếm, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị này đã chuẩn bị lượng hàng lớn để bảo đảm cung ứng ra thị trường, đồng thời khởi động chương trình hỗ trợ người tiêu dùng trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp bằng chương trình giảm giá mạnh các mặt hàng được xem là “nhạy cảm” hiện nay. Theo đó, hơn 800 siêu thị, cửa hàng tại thành phố Hồ Chí Minh và cả nước của nhà bán lẻ này đang áp dụng giảm giá, khuyến mãi cho hơn 10.000 sản phẩm, chủ yếu là thực phẩm, sữa, nhu yếu phẩm và các loại gia vị thông dụng.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op cho biết, đến thời điểm này, Saigon Co.op đã chốt xong phương án tăng lượng hàng hóa dự trữ cần thiết để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng mạnh của người tiêu dùng, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Các mặt hàng gạo, mì, sữa, trứng, đường, nước mắm, dầu ăn, thịt gia cầm, gia súc, thủy hải sản; các mặt hàng đông lạnh đều được tăng trữ lượng lên từ 2 đến 3 lần để vừa đáp ứng sẵn sàng lượng cung lớn, vừa bảo đảm giá tốt để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.

Còn tại các chợ truyền thống, ghi nhận cho thấy đến thời điểm này không có bất kỳ mặt hàng nào khan hiếm, từ thực phẩm tươi sống đến các loại nhu yếu phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, một số thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống tăng giá nhẹ. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), giá thịt lợn được các tiểu thương bán ở mức trung bình 165.000-175.000 đồng/kg, tăng khoảng 5% so với thời điểm trước đó. Còn tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), giá các loại rau, củ, quả cũng tăng từ 5 đến 10% so với thời điểm trước đó.

Bảo đảm nguồn cung và ổn định giá

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân tại thành phố Hồ Chí Minh đang thay đổi thói quen từ mua sắm hằng ngày sang mua sắm tập trung, đặc biệt những ngày cuối tuần để dự trữ thực phẩm cho cả tuần. Chính vì vậy, có tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19… gây khan hiếm cục bộ tại một số thời điểm, nhất là vào cuối tuần.

Trước tình hình này, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng 3 kịch bản để chủ động ứng phó. Đối với kịch bản 1, bối cảnh thành phố Hồ Chí Minh có dưới 100 trường hợp nhiễm Covid-19, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị nguồn cung hàng hóa vượt 30-40% so với ngày thường, sẵn sàng cung ứng đến các hệ thống phân phối. Đối với kịch bản 2, bối cảnh thành phố có dưới 300 trường hợp nhiễm Covid-19, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị nguồn cung hàng hóa vượt 50-100% so với ngày thường, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn. Đối với kịch bản 3, bối cảnh dịch Covid-19 lây lan rộng trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương sẽ xem xét trình UBND thành phố quyết định các chính sách huy động và phân phối nguồn hàng theo cơ chế đặc thù, đối phó khẩn cấp với dịch bệnh, bảo đảm người dân không thiếu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố đang tính toán nhiều phương án cung ứng hàng hóa tiêu dùng. Chẳng hạn, phương án luân chuyển hàng hóa phù hợp, không để gián đoạn tại tất cả hệ thống phân phối, các điểm bán; phương án cung cấp hàng hóa trong khu vực đang cách ly. Thành phố cũng lên kế hoạch đẩy mạnh kênh phân phối thương mại điện tử, khuyến khích mua sắm trực tuyến.

Đối với vấn đề giá, bà Nguyễn Huỳnh Trang khẳng định, các hệ thống phân phối hiện đại được quản lý chặt chẽ nên không tăng giá trong giai đoạn dịch bệnh. Còn tại hệ thống phân phối truyền thống, Ban Quản lý các chợ đầu mối, chợ truyền thống đã được yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá, vận động tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn thị trường, niêm yết và bán đúng giá niêm yết, không để nâng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Trong trường hợp phát hiện hiện tượng tăng giá, phải xử lý nghiêm.

Tại cuộc họp mới đây nhằm ứng phó với dịch Covid-19, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện tăng cường quản lý, điều hành về công tác cung ứng hàng hóa tiêu dùng nhằm bảo đảm không làm xáo trộn đời sống nhân dân. Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu triển khai ngay các giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố dự trữ nguồn hàng, không để thiếu hàng hóa, ngay cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Ổn định hàng hóa tiêu dùng thiết yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.