(HNMO) - Chỉ trong 3 ngày đầu của tháng 11-2021, số bệnh nhân nhiễm mới, số bệnh nhân nhập viện và số tử vong do Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng. Ngành Y tế thành phố khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch, nhất là với sự phức tạp, khó lường của biến chủng Delta.
Nguy cơ tăng cấp độ dịch là rất lớn
Theo thống kê của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 4-11, các bệnh viện tầng 2 và 3 tại thành phố đang điều trị 11.446 bệnh nhân, trong đó có 631 trẻ em dưới 16 tuổi, 246 bệnh nhân nặng đang thở máy, 12 bệnh nhân can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Số F0 đang điều trị tại nhà hoặc nơi cư trú là 28.621 trường hợp.
Đáng chú ý, số ca nhiễm mới mỗi ngày tại thành phố đang có dấu hiệu tăng. Cụ thể, ngày 1-11, có 927 ca; ngày 2-11, có 687 ca, nhưng ngày 3-11, có tới 991 F0 được phát hiện. Tương tự, số ca nhập viện (tầng 2 và 3 của tháp điều trị) cũng có xu hướng tăng. Trong 3 ngày đầu của tháng 11, trung bình có 970 ca nhập viện/ngày, tăng hơn nhiều so với trung bình 700 ca/ngày của 3 ngày trước đó và cao hơn số ca trung bình xuất viện trong 3 ngày qua là 740 ca. Đáng chú ý, số ca tử vong trung bình 33 ca/ngày trong 3 ngày đầu tháng 11, cao hơn số trung bình 25 ca/ngày của 3 ngày trước đó.
Lý giải về những vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, việc bệnh nhân nhập viện tăng có một phần là do thành phố thu gọn các cơ sở điều trị Covid-19, dồn bệnh nhân sang những cơ sở điều trị lâu dài. Ngoài ra, thành phố vừa tiếp nhận một lượng lớn người lao động, học sinh, sinh viên từ các tỉnh khác về. Trong số đó, có nhiều người được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 và phải đưa đi điều trị.
“Nếu tính theo tiêu chí số ca nhiễm mới trên 100.000 dân, thành phố Hồ Chí Minh phải lên nhóm 3 (vùng cam). Nhưng do thành phố có tỷ lệ tiêm vắc xin cao và có số giường điều trị Covid-19 đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế, nên tạm xếp là vùng 2 (vùng vàng). Điều này cho thấy, nếu người dân chủ quan, dịch Covid-19 sẽ dễ dàng tăng cấp ở thành phố Hồ Chí Minh”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu lưu ý.
Khống chế dịch bằng “vắc xin ý thức” và "5K"
Đánh giá về tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh qua 3 ngày đầu của tháng 11, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Phạm Đức Hải nhận định, thành phố mở cửa nhiều hoạt động xã hội; tiếp đón người từ các địa phương khác đến nên số ca nhiễm mới được dự báo sẽ tăng. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu người dân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh.
“Nhiều người cho rằng tỷ lệ tiêm mũi 1 của thành phố đạt gần 100%, mũi 2 hơn 90% nên đã có môi trường an toàn. Nhưng người đã tiêm vắc xin vẫn có thể nhiễm bệnh và lây cho người khác”, ông Phạm Đức Hải lưu ý.
Minh chứng cho điều này, ông Phạm Đức Hải cho biết, trong 3 ngày đầu của tháng 11, ngành Y tế thành phố đã có cuộc khảo sát nhanh trong số các ca nhiễm Covid-19. Kết quả là có 86% số ca nhiễm là những người đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.
“Phần lớn trong số này là thể nhẹ, nhưng họ hoàn toàn có khả năng lây bệnh sang những người lớn tuổi, người có bệnh nền và lây sang những người chưa tiêm vắc xin, nhất là các em dưới 18 tuổi. Nếu ỷ lại vào tiêm vắc xin mà lơ là các nguyên tắc phòng bệnh, dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp”, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại quận 7 và thành phố Thủ Đức (các địa phương được thí điểm bán đồ uống có cồn), từ 18h, nhiều hàng quán đông thực khách. Dù các bàn được kê cách nhau 2m, nhưng khi cuộc vui lên đỉnh điểm, vẫn có tình trạng thực khách sang các bàn bên giao lưu bia rượu.
Chị Nguyễn Hoành Anh, ngụ tại chung cư Hoàng Anh Thanh Bình, đường D4, phường Tân Hưng, quận 7 chia sẻ: "Mỗi tối, các quán nhậu ngay lề đường D4 rất đông khách. Nhiều người dường như quên việc thành phố vẫn có hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày".
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh, song song với các biện pháp phòng, chống dịch, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có “vắc xin ý thức” và nhận thức đúng hơn thông điệp “sống chung an toàn với Covid-19”. Theo đó, việc mở dần các hoạt động xã hội là chủ động thích ứng, nhưng mỗi người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc "5K" để đạt sự an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
“Nguyên tắc "5K" rất rõ ràng, đơn giản và dễ thực hiện, nhưng lại rất hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19. Đây là kết quả được rút ra từ thực tế chống dịch những năm qua. Mỗi người dân có ý thức thực hiện nguyên tắc này, sẽ góp phần xây dựng một môi trường tốt để thành phố thực sự sống chung an toàn với Covid-19”, ông Phạm Đức Hải nói.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.