(HNM) - Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã chú ý hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm xây dựng thương hiệu. Qua đó dần tạo niềm tin với người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ ngày càng được nâng tầm, lớn mạnh.
Định hình những thương hiệu uy tín
Vào những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn được người tiêu dùng rất quan tâm. Chị Ngô Thị Kim Minh (ở phường Phú Thuận, quận 7) cho biết, thực phẩm tươi sống luôn được gia đình chị chọn lựa rất cẩn thận, tiêu chí đầu tiên là phải bảo đảm vệ sinh, an toàn. “Là người tiêu dùng, tôi rất khó xác định sản phẩm nào an toàn. Vì vậy, tôi thường chọn thương hiệu uy tín để yên tâm hơn khi sử dụng”, chị Ngô Thị Kim Minh chia sẻ.
Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Vissan) là một trong 30 doanh nghiệp vừa được UBND thành phố Hồ Chí Minh công nhận “Thương hiệu Vàng thành phố Hồ Chí Minh” năm 2021 cho sản phẩm, nhóm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Phan Văn Dũng cho biết, doanh nghiệp đã kiên trì, bền bỉ xây dựng thương hiệu Vissan trong ngành thực phẩm với tiêu chí an toàn và chất lượng đặt lên hàng đầu. Thương hiệu này được tạo ra bởi doanh nghiệp nhưng sức sống của nó là do người tiêu dùng quyết định.
Ngoài Vissan, nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã định hình được thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước như: Vạn Thành (nệm), Duy Tân (nhựa), Vĩnh Tiến (giấy), Bidrico (đồ uống), SJC (vàng, trang sức)... Đặc biệt, những năm gần đây, bên cạnh thương hiệu đến từ các doanh nghiệp nhà nước, có thêm nhiều thương hiệu mới nổi đến từ khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Tuy vậy, hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng số doanh nghiệp quy mô lớn lại khá khiêm tốn (chỉ khoảng 800 doanh nghiệp quy mô vốn trên 1.000 tỷ đồng). Phần lớn thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp chưa thật sự tạo được chỗ đứng vững chắc với người tiêu dùng. Những thương hiệu có sức ảnh hưởng lớn, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến không nhiều. Thực tế, quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp gặp khó khăn do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Tạo điều kiện để thương hiệu tỏa sáng
Qua giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua cho thấy, những doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu mạnh có sức chống chịu khó khăn dẻo dai hơn. Thương hiệu còn trở thành nền tảng để doanh nghiệp phục hồi hậu khủng hoảng. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho rằng, càng khó khăn, thương hiệu càng phải được xây dựng và bảo vệ. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về xây dựng thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp phải được chú trọng hơn trong thời gian tới, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi có nhiều doanh nghiệp hoạt động nhất cả nước.
Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, về phía cơ quan quản lý nhà nước, thành phố tiếp tục có các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển thương hiệu, gắn với chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thành phố cũng hỗ trợ công tác quảng bá, mở rộng thị trường, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; qua đó giúp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng. Về phía doanh nghiệp, phải tích cực đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững với trụ cột là thương hiệu có sức sống lâu dài.
Tại buổi lễ trao giải thưởng “Thương hiệu Vàng thành phố Hồ Chí Minh” năm 2021 diễn ra đầu tháng 1-2022, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, những thương hiệu được công nhận là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ, bản lĩnh kiên cường, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp thành phố. Thương hiệu của doanh nghiệp cũng chính là thương hiệu của thành phố Hồ Chí Minh. Thương hiệu thành phố Hồ Chí Minh không tách rời thương hiệu của doanh nghiệp. Chính quyền thành phố cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với công tác quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.
“Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục khơi thông các điểm nghẽn về chuỗi cung ứng hàng hóa; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh để thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng phát triển lớn mạnh và tỏa sáng hơn nữa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố bền vững”, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.