(HNMO) - Ngày 5-9, hơn 1,7 triệu học sinh thành phố Hồ Chí Minh cùng với học sinh cả nước bước vào năm học mới 2020-2021. Đây là năm học đầu tiên, thầy và trò thành phố mang tên Bác triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong bối cảnh sức ép dân số gia tăng và dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Lễ khai giảng nhanh gọn, tươi vui
Sáng 5-9, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã dự lễ khai giảng tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là ngôi trường đạt nhiều thành tích trong dạy và học của ngành Giáo dục thành phố.
Thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 cho hay, trong năm qua, nhà trường đã vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đạt thành tích tốt, với điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của học sinh toàn trường đạt 8,17, thuộc top đầu của thành phố.
"Năm nay, nhà trường tiếp tục phát huy thành tích này để việc dạy và học của nhà trường ngày càng toàn diện hơn", thầy Hà Hữu Thạch nói.
Là 1 trong 500 học sinh tham gia lễ khai giảng, Trần Phúc Hậu, lớp 10 A1, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, chia sẻ: "Lễ khai giảng năm nay thật đặc biệt, chúng em vừa bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng dịch Covid-19 nhưng vẫn cảm nhận được đầy đủ không khí hân hoan, ý nghĩa của ngày mở đầu năm học mới. Em mong được học nhiều điều hay trong năm học mới, để chuẩn bị cho chặng đường vào đại học sau 3 năm nữa".
Để bảo đảm lễ khai giảng tại các trường trên địa bàn diễn ra nhanh gọn, nhưng đủ trang trọng, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh quy định, chỉ học sinh các lớp đầu cấp đến dự đầy đủ. Học sinh các khối lớp khác chỉ chọn 10-20 em tham dự buổi lễ. Khi đến trường, các em được nhắc nhở đeo khẩu trang, đo thân nhiệt...
Buổi lễ khai giảng tại các trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong sáng 5-9 diễn ra nhanh gọn trong vòng 60 phút. Sau văn nghệ chào mừng là lễ chào cờ. Tiếp đó, các em học sinh nghe đọc thư của Chủ tịch nước; diễn văn của thầy cô hiệu trưởng và lễ đánh trống khai giảng năm học mới.
Trước ngày khai giảng, các trường học đều tổ chức khử khuẩn các khu vực trong trường. Cô giáo Nguyễn Thị Sơn, phụ trách khối trường phổ thông dân lập Duy Tân (quận 10) cho biết, ngoài việc vệ sinh trường lớp, khử khuẩn theo đúng quy định, nhà trường còn trang bị mới đồ dùng cho từng học sinh học nội trú, bảo đảm vệ sinh, an toàn phòng dịch theo đúng quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2020-2021, ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai các giải pháp nhằm thực hiện tốt sứ mệnh: Học để làm người công dân tốt có đầy đủ kỹ năng thích ứng với đô thị thông minh và quá trình hội nhập quốc tế; học để làm con hiếu thảo, có trách nhiệm, xây dựng gia đình hạnh phúc; học để có nghề nghiệp hiệu quả, nuôi bản thân và gia đình; học để đóng góp cho thành phố và đất nước.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của thành phố là 99,44%, cao nhất 3 năm gần đây. Năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất cả nước, điểm trung bình môn toán đứng thứ hai.
Sẵn sàng vượt qua khó khăn, thách thức
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho khối lớp 1, với những quy định cụ thể như: Mọi học sinh đến tuổi đều được đi học lớp 1. Các em được học 2 buổi/ngày. Mỗi lớp không quá 35 học sinh và học theo chương trình sách giáo khoa mới.
Để đáp ứng những tiêu chí này, trong bối cảnh dân số cơ học tăng cao, ngành Giáo dục thành phố gặp không ít khó khăn. Theo thống kê, năm học 2020-2021, toàn thành phố có 1,74 triệu học sinh phổ thông, tăng 54.000 em so với năm học trước.
Ở bậc tiểu học, áp lực mật độ dân số cao khiến số trường và số phòng học chưa đủ bảo đảm 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,34 chưa đủ so với quy định chung là 1,5 giáo viên/lớp. Nhiều trường tiểu học còn thiếu giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên tiếng Anh và tin học - công nghệ.
Hiện, 96,3% học sinh tiểu học thành phố được học tiếng Anh ở cả 5 khối lớp, gần 65% học sinh tiểu học được học tin học. Tuy nhiên, việc dạy tiếng Anh trong trường tiểu học cũng còn gặp khó khăn do một số quận, huyện vùng ven ngoại thành chưa tuyển được giáo viên.
Tính đến thời điểm khai giảng năm học mới 2020-2021, thành phố Hồ Chí Minh đã đạt 292 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học. Phải đến cuối năm, thành phố mới đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X.
Hiện có 18/24 quận, huyện bảo đảm cơ sở vật chất tổ chức chương trình giáo dục phổ thông mới. 6 quận, huyện không bảo đảm tổ chức 2 buổi/ngày là Gò Vấp, Tân Phú, quận 12, Thủ Đức, Bình Tân và Bình Chánh. Giải pháp trước mắt, các quận, huyện này phải giảm lớp bán trú ở các lớp trên để ưu tiên cho lớp 1 học 2 buổi/ngày. Giải pháp lâu dài vẫn phải xây thêm trường, lớp mới đáp ứng yêu cầu.
Đánh giá về những thách thức với ngành Giáo dục thành phố trong năm học mới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức lưu ý: “Cần sớm xóa bỏ khoảng cách chất lượng dạy và học giữa các trường, để khắc phục tình trạng nơi đông, nơi vắng học sinh, dẫn đến khủng hoảng cục bộ về chỗ học. Bên cạnh hai môn toán và tiếng Anh có thành tích nổi trội thì xếp hạng các môn còn lại như vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, thành phố Hồ Chí Minh vẫn nằm ngoài top 30. Cần có giải pháp cụ thể khắc phục vấn đề này”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.