Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Một số khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại trường học

Bích Ngọc - Thu Hoài| 04/03/2022 17:43

(HNMO) - Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa học sinh quay lại trường để học trực tiếp. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục tại thành phố đang gặp khó khăn trong việc tạo nguồn kinh phí mua kit test xét nghiệm nhanh Covid-19 khi xuất hiện F0 trong lớp và bổ sung nhân viên y tế trường học.

Nhiều trường học tại thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu kinh phí duy trì vệ sinh phòng dịch.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tính đến đầu tháng 3-2022, số học sinh đi học trực tiếp đã giảm nhẹ so với 70,51% ở khối mầm non và 96,1% ở khối tiểu học ở tuần cuối của tháng 2-2022. Nguyên nhân do số ca nhiễm Covid-19 có dấu hiệu tăng, dẫn đến việc học sinh phải tạm cách ly theo dõi tại nhà. Cụ thể, tính đến ngày 2-3, toàn thành phố có 40.385 học sinh nhiễm hoặc nghi nhiễm, trong đó có 2.160 ca phát hiện tại trường học. Có 3.689 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhiễm Covid-19, trong đó 381 ca phát hiện trực tiếp tại trường. 5 địa phương có số ca nghi nhiễm cao là quận 1, quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức, quận 12 và quận Tân Phú.

Khó khăn xuất hiện tại một số cơ sở giáo dục khi nhà trường phải tìm nguồn kinh phí mua kit test để thực hiện test nhanh cho học sinh là có dấu hiệu lâm sàng (ho, sốt…). Đơn cử tại Trường Mầm non Tuổi thơ 7 (phường Võ Thị Sáu, quận 3), nhà trường khử khuẩn nơi học, đồ chơi 2 lần/ngày; trang bị nước khử khuẩn, trang bị vật tư phòng, chống dịch… nên kinh phí chi cho việc này trong tháng 2 lên đến 24 triệu đồng, cao hơn 6 triệu đồng so với tháng trước.

“Chúng tôi được phép thu mỗi học sinh 50.000 đồng/tháng tiền vệ sinh, nhưng trong tháng 2 chỉ học nửa tháng, nên chỉ thu 25.000 đồng/học sinh. Toàn trường có 380 học sinh, nhưng số trẻ đi học chỉ khoảng 60%, nên về lâu dài, chúng tôi phải bàn với phụ huynh về huy động kinh phí xã hội hóa cho công tác phòng, chống dịch trong nhà trường”, bà Vũ Đỗ Thúy Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Việc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho học sinh và giáo viên tại thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp một số khó khăn do nguồn cung kit test chưa nhiều.

Còn tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3), ông Mai Quang Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do thiếu kinh phí, nhà trường chỉ trang bị thường xuyên 30 bộ kit test nhanh để xét nghiệm cho các học sinh có triệu chứng khi phát hiện F0 trong trường. Nhà trường đã đề nghị các cấp quản lý xem xét, hỗ trợ bổ sung kit test, vì số ca F0 vẫn tiếp tục xuất hiện (phát hiện tại nhà) khi trường triển khai dạy và học trực tiếp.

Để gỡ khó bước đầu cho các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh vừa quyết định cấp cho mỗi trường công lập 20 bộ kit test. Khi các trường sử dụng hết, sẽ được phòng giáo dục và đào tạo các địa phương cấp đợt mới. Trong bối cảnh số lượng kit test còn hạn chế, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh lưu ý các trường sử dụng bộ sinh phẩm này đúng người, đúng cách. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng đang kêu gọi các nguồn tài trợ kit test cho trường học.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, các trường chỉ dùng kit test cho học sinh và giáo viên có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng gồm: Sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, giảm hoặc mất khứu giác, đau nhức đầu, tiêu chảy, khó thở, viêm đường hô hấp hoặc có yếu tố dịch tễ trong quá trình dạy học trực tiếp.

Nhiều trường học tại thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu nhân viên y tế chuyên trách.

Một khó khăn khác của các cơ sở giáo dục tại thành phố Hồ Chí Minh khi triển khai dạy và học trực tiếp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là thiếu nhân viên y tế trường học. Theo thống kê, năm học 2020-2021, thành phố có 2.339 cơ sở giáo dục, nhưng chỉ có 1.319 đơn vị trường học có nhân viên y tế có chuyên môn (tỷ lệ 56,39%). Đến đầu năm học 2021-2022, lực lượng này còn ít đi, do có nhiều người chưa thể đi làm trở lại. Đáng lưu ý, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiếu hụt nhân viên y tế trường học là chế độ đãi ngộ hiện hành chưa tương xứng với khối lượng công việc mà vị trí này phải đảm nhiệm.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng, trong tháng 3-2022, ngành Y tế và ngành Giáo dục sẽ phối hợp tổ chức hội thảo về vấn đề này, nhằm nhìn nhận tổng thể các vấn đề về định biên, thù lao, chế độ, nhân sự… để hoàn thiện lực lượng nhân viên y tế trường học.

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Trịnh Duy Trọng cho biết, Sở cũng đã báo cáo tình hình, đề xuất một số giải pháp ban đầu với đoàn giám sát của HĐND thành phố Hồ Chí Minh theo hướng quan tâm hơn đến chế độ, chính sách cho đối tượng là giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học nhằm tăng cường lực lượng phục vục công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe học sinh.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Một số khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.