(HNMO) - Để chủ động ứng phó tình hình có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã kích hoạt giai đoạn 2 của kế hoạch, triển khai 2.000 giường tiếp nhận bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 (gồm 200 giường hồi sức tích cực) và kích hoạt mô hình "Bệnh viện tách đôi".
Kích hoạt giai đoạn 2 ứng phó dịch Covid-19
Đây là giai đoạn 2 trong kế hoạch ứng phó lên đến quy mô 5.000 giường chuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố Hồ Chí Minh.
Các bệnh viện của thành phố được phân công sẵn sàng trong giai đoạn này là: Bệnh viện dã chiến Củ Chi (300 giường), Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ (600 giường), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (400 giường), Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (550 giường). Hai bệnh viện chuyên tiếp nhận trẻ em là Bệnh viện Nhi đồng thành phố (100 giường) và Bệnh viện Nhi đồng 2 (50 giường). Ngoài ra, còn có Bệnh viện Chợ Rẫy (thuộc Bộ Y tế) tham gia kế hoạch với 40 giường hồi sức.
Trong giai đoạn 1 của kế hoạch, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình bệnh viện dã chiến tại Củ Chi và Cần Giờ, chuyên tiếp nhận cách ly điều trị người mắc Covid-19. Sau gần 18 tháng hoạt động, 2 bệnh viện dã chiến này đã phát huy hiệu quả và làm giảm gánh nặng và nguy cơ rất lớn cho các bệnh viện hiện hữu trên địa bàn thành phố.
Đến nay tình hình dịch bệnh phát triển lên mức mới với hàng trăm ca nhiễm trong cộng đồng, giai đoạn 2 của kế hoạch đã được kích hoạt. Trong giai đoạn này, hai giải pháp được triển khai là chuyển một số bệnh viện thành nơi chuyên điều trị Covid-19. Một số bệnh viện khác được “phân đôi” chức năng để vừa điều trị bệnh nhân có triệu chứng bệnh liên quan đến hô hấp, một nửa hoạt động chuyên môn theo chức năng của bệnh viện.
“Đây là mô hình Split Hospital - bệnh viện tách đôi - đã được ngành Y tế Hàn Quốc ứng dụng thành công trong gần 2 năm qua, để các cơ sở y tế tham gia điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, nhưng không trở thành ổ lây lan dịch bệnh”, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin.
Theo kế hoạch này, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ chuyển đổi một số chức năng của 2 bệnh viện chuyên tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19 là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Ngoài ra, hai bệnh viện chuyên tiếp nhận bệnh nhi là Bệnh viện Nhi đồng thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2 dành các khối nhà độc lập (Khoa Nhiễm) chỉ chuyên tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Trong kế hoạch này, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ bố trí một Khoa Hồi sức chuyên tiếp nhận bệnh nhân người lớn nặng (không bao gồm bệnh nhân từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh.
Sẵn sàng triển khai tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Đây là bệnh viện chuyên khoa về bệnh phổi và lao tại thành phố Hồ Chí Minh. Với khuôn viên rộng lớn và môi trường thoáng với nhiều cây xanh, và nhất là với lộ trình phát triển hạ tầng, trang thiết bị, kỹ thuật chuyên sâu phục vụ cho chuyên ngành “bệnh phổi không do lao”, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch rất thích hợp để triển khai theo mô hình bệnh viện tách đôi, bắt đầu tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Theo phân công của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh và sự đồng thuận của Ban Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh viện tiếp tục là cơ sở y tế chuyên khoa đầu ngành về bệnh phổi và các bệnh lý khác do lao, đồng thời, tiếp tục lộ trình phát triển chuyên khoa sâu về bệnh lý phổi không do lao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch sẽ là một trong những bệnh viện được phân công chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, khi được yêu cầu.
Cụ thể, một nửa bệnh viện (tính theo chiều dọc) tách biệt hẳn với một nửa còn lại, với cổng vào riêng, những khối nhà riêng (đã được bố trí những buồng áp lực âm, giường hồi sức, các buồng bệnh thông thoáng không dùng điều hòa trung tâm…) và cả khu vực cận lâm sàng riêng biệt, trong đó có xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán Covid-19. Quy mô giường bệnh của khu chuyên phục vụ cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch có thể lên đến 700 giường.
“Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao việc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã sẵn sàng chuyển đổi theo mô hình “bệnh viện tách đôi” và có thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp”, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.