(HNMO) - Sáng 18-7, nhiều người dân thành phố Hồ Chí Minh ngỡ ngàng xen lẫn thích thú khi thấy rau xanh được bày bán nhiều tại các cửa hàng Con Cưng, vốn chỉ bán đồ cho trẻ sơ sinh hay Pharmacity, chuyên bán thuốc và Yola là cơ sở dạy tiếng Anh. Các bộ, ngành trung ương cũng đã triển khai các biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân các tỉnh, thành phía Nam.
Nhiều nguồn cung ứng
Tại cửa hàng Con Cưng số 101 đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, dãy bàn dài được kê dọc vỉa hè trước cửa. Rau xanh từng bó chất đống, mỗi bó 1kg. Chị Dương Bảo Trân là cư dân gần đó lộ rõ vẻ thích thú khi đi mua hàng. “Không ngờ rau xanh lại được bán tại chuỗi cửa hàng này. Thái độ nhân viên rất nhã nhặn, vui vẻ; rau nhiều loại, rất tiện cho người dân mua hằng ngày”.
Theo đại diện chuỗi cửa hàng Con Cưng, chỉ trong 2 ngày 17 và 18-7, doanh nghiệp đã mở 16 điểm bán rau xanh tại các cửa hàng trong 11 quận nội thành và sẽ tiếp tục mở rộng ra 150 điểm bán toàn chuỗi. “Chúng tôi hưởng ứng lời kêu gọi của Sở Công Thương tham gia chương trình này. Với hệ thống cửa hàng rộng khắp tại các khu dân cư, Con Cưng mong rằng sẽ góp thêm kênh phân phối rau xanh đến người dân thành phố”, đại diện doanh nghiệp nói.
Trong chương trình “Doanh nghiệp đồng hành cùng người dân thành phố” do Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh phát động, mời gọi doanh nghiệp nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham gia kết nối, hình thành chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa thực phẩm thiết yếu bình ổn đến người tiêu dùng, còn có có 1.000 điểm bán của Vinshop, 67 điểm bán của Công ty Guardian Việt Nam, 300 điểm bán của Pharmacity, 36 điểm bán của Công ty Đầu tư thương mại phát triển Nhất Tín (chuyên về dịch vụ chuyển phát hàng hóa)…
Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, ngoài các doanh nghiệp đã triển khai các điểm bán hàng bình ổn nêu trên, còn nhiều doanh nghiệp khác đã cam kết tham gia chương trình nhiều ý nghĩa này, như: Viettel Post, Vietnam Post, Công ty giao hàng nhanh GHN, Công ty giao hàng tiết kiệm GHTK, Công ty Supership Việt Nam, Proship, Koina, Công ty kho lạnh ABA, Công ty giải pháp chuỗi cung ứng One Mount…
Cùng với hệ thống trên, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm mở lại 3 chợ truyền thống trong vùng an toàn, tăng lượng hàng lương thực, thực phẩm cung ứng ra thị trường. Các chợ gồm Bình Thới (phường 10 quận 11), Phú Thọ (phường 13 quận 11) và chợ Nguyễn Tri Phương (phường 6, quận 10) hoạt động theo nguyên tắc “ít người, mua bán nhanh”. Hàng hóa được đóng sẵn thành gói. Người bán được chọn lựa, đảm bảo sức khỏe và chất lượng hàng hóa. Người mua được kiểm tra phòng dịch trước khi vào chợ theo thời gian nhất định, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Còn theo Ban Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, từ tối 18-7, điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ sẽ đi vào hoạt động, mỗi ngày cung ứng thêm 120 tấn lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố. Các hoạt động mua bán trực tiếp không được diễn ra tại điểm trung chuyển này mà giao dịch online, giao hàng đến địa chỉ người nhận bằng phương tiện vận chuyển đảm bảo an toàn phòng dịch.
Nhiều bộ cùng vào cuộc
Sở Giao thông – Vận tải (GT-VT) thành phố Hồ Chí Minh thông tin, từ chiều 17-7, Bộ GT-VT đã thống nhất với các địa phương vùng Đông và Tây Nam Bộ thông tuyến “luồng xanh” vận tải hàng hóa thiết yếu trong nội tỉnh và liên tỉnh, kết nối với hệ thống “luồng xanh” quốc gia đã được thông báo trước đó.
“Sở GT-VT thành phố Hồ Chí Minh đã cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên cho các doanh nghiệp vận tải đăng ký, tổng cộng 33.752 xe và thống nhất với các địa phương phía Nam tạo điều kiện để hàng hóa được vận chuyển thông suốt về thành phố”, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GT-VT thành phố Hồ Chí Minh thông tin.
Để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và an toàn phòng dịch trong “luồng xanh” tại các địa phương vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên với thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 18-7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GT-VT) sẽ triển khai 19 vị trí chốt kiểm soát trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng.
Trong khi đó, từ ngày 17-7, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác tiền phương về đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam, nhất là trong thời điểm toàn vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 19-7-2021.
Cụ thể, Tổ công tác đặc biệt gồm 23 thành viên, do một Phó Cục trưởng phụ trách, có nhiệm vụ theo dõi sát, nắm bắt nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam; kiểm soát tình hình giá cả thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tăng giá trục lợi. Nguồn cung dồi dào, giá cả rau xanh tại thành phố Hồ Chí Minh trong các chuỗi cung ứng lớn đã giảm đáng kể. Tại siêu thị Aeon Bình Tân (quận Bình Tân), giá cả một số mặt hàng trong sáng 18-7 như sau: Bắp cải trắng và cải thảo Đà Lạt cùng giá 25.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng so với trước đó. Cà rốt và hành tây Đà Lạt giá 26.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng. Đặc biệt, củ cải trắng Đà Lạt chỉ còn 15.000 đồng/kg...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.