(HNMO) - Tính đến ngày 12-8, thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ giải ngân vốn đầu tư công đạt 29% tổng kế hoạch vốn được giao. Thành phố cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này.
Sáng nay (24-8), Thường trực HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm trong 8 tháng đầu năm
Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ là 142.557 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn của thành phố (tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 khoảng 672.000 tỷ đồng).
Trong bối cảnh đó, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hồ Chí Minh được UBND thành phố xây dựng theo định hướng tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án chuyển tiếp của thành phố để nhằm nâng cao hiệu quả, chống lãng phí nguồn vốn đầu tư công đã bố trí cho các dự án trong giai đoạn 2016-2020.
UBND thành phố Hồ Chí Minh đã trình HĐND thành phố thông qua nghị quyết số về kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 là 142.557 tỷ đồng, bao gồm vốn từ nguồn bội chi ngân sách thành phố là 14.873 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách thành phố hơn 127.683 tỷ đồng.
Số dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 là 1.191 dự án (không bao gồm các dự án thực hiện theo hình thức PPP và ODA) được bố trí tổng số vốn là 67.853 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48% tổng số vốn trung hạn 2021-2025 (142.557 tỷ đồng), trong đó đến nay 298 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được HĐND thành phố thông qua là 35.516 tỷ đồng, UBND thành phố đã giao kế hoạch vốn là 29.464 tỷ đồng, đạt hơn 82,9%. Tuy nhiên, tính đến ngày 12-8, thành phố mới chỉ giải ngân đạt 29% kế hoạch vốn được giao, trong khi mục tiêu đặt ra tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 95% trong năm 2022.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, thông qua hoạt động giải trình, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các chủ đầu tư dự án thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc thực hiện pháp luật về đầu tư công; đồng thời, tìm ra giải pháp, cơ chế để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư công, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Tại buổi giải trình lần này, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cơ quan chức năng liên quan đánh giá đúng những mặt tích cực và những mặt hạn chế, tồn tại trong thực hiện các dự án đầu tư công trong thời gian qua. Qua đó, giải trình nguyên nhân vì sao còn xảy ra những hạn chế, đi kèm là trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Từ đó, đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Cuối năm, sẽ xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân
Tại buổi giải trình, các sở, ngành thành phố đã nêu nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022, ngành giao thông có 29 dự án, công trình trọng điểm; trong đó, có 11 dự án chuẩn bị đầu tư (chưa được phê duyệt), 18 dự án đang triển khai.
Về nguyên nhân dự án đang triển khai nhưng chậm trễ, kéo dài, ông Trần Quang Lâm cho biết, do vướng giá bồi thường giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bảng giá đất do Nhà nước ban hành 5 năm/lần, nhưng bồi thường lại theo thời điểm thu hồi đất. Vì vậy, thành phố tiến hành thẩm định hệ số bồi thường để ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K). Hệ số này được công khai để lấy ý kiến người dân bị thu hồi đất.
Theo hệ số K vừa được UBND thành phố ban hành, mức cao nhất gấp 15 lần đối với đất ở và cao nhất gấp 35 lần đối với đất nông nghiệp. Đối với đất nông nghiệp, thành phố còn hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị thu hồi đất với mức 3,5 lần. Như vậy, bình quân đơn giá bồi thường đất nông nghiệp cao nhất lên tới 12 triệu đồng/m². Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, việc thu hồi đất nông nghiệp trong thời gian qua, hầu hết người dân đều đồng thuận.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, từ nay đến cuối năm, Thường trực UBND thành phố sẽ họp giao ban hằng tháng đối với các chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn; yêu cầu chủ đầu tư lên tiến độ thi công từ nay đến cuối năm để theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân; thường xuyên rà soát, đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng tại các quận, huyện.
Theo ông Phan Văn Mãi, kinh phí dành cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng mức đầu tư dự án. Công tác này giữ hai vai trò xuyên suốt, nếu giải phóng mặt bằng nhanh sẽ tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và khi đã có mặt bằng sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn nữa.
Người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh, UBND thành phố nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn thành phố. Những vấn đề trong thẩm quyền, trong tầm tay của các sở, ngành, quận, huyện, các cơ quan, đơn vị sẽ giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại hoặc đã được kết luận.
“Đến cuối năm nay, dựa trên kết quả giải ngân vốn đầu tư công, UBND thành phố sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và của từng cá nhân, kể cả trách nhiệm của tôi với tư cách là Chủ tịch UBND thành phố”, ông Phan Văn Mãi cho hay.
Kết thúc phiên họp, Thường trực HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua thông báo kết luận phiên họp giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố cần xác định rõ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, qua đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.