Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Huy động nguồn vốn xã hội để tạo đột phá

Bài, ảnh: Nguyễn Lê| 28/10/2016 06:24

(HNM) - Nguồn vốn cho đầu tư 7 chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng cân đối ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 33%. Đây được xem là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi sự cần thiết phải huy động từ nguồn vốn xã hội để tạo đột phá.


Vốn ngân sách không đáp ứng đủ

Tại buổi làm việc với các sở, ngành ngày 26-10 về tổng thể nguồn vốn cho đầu tư 7 chương trình đột phá của thành phố giai đoạn 2016-2020, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ triển khai kế hoạch thực hiện 7 chương trình đột phá ngay trong tháng 1-2017. Nhiệm vụ này phải được thực hiện đồng loạt từ thành phố cho đến phường, xã chứ không chỉ quận, huyện, sở, ngành. Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, thời gian chỉ còn hơn 3 năm để thực hiện và hoàn thành nên phải rất khẩn trương và nỗ lực lớn. Theo các ngành chức năng TP Hồ Chí Minh, nhu cầu vốn cho 7 chương trình đột phá khoảng 400.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách chi cho đầu tư công của thành phố giai đoạn 2016-2020 khoảng 130.000 tỷ đồng, mới chỉ đáp ứng gần 33%...

Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phát triển đô thị nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng.



Trước bối cảnh khó khăn về vốn, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ban, ngành tính toán hợp lý trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách theo khả năng được điều tiết hằng năm. Theo Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, nguồn ngân sách của thành phố được chi ra từ nhiều nguồn như nguồn trực tiếp từ ngân sách, từ BT (tài sản từ quỹ đất), vốn vay lại Chính phủ, nguồn vay từ vốn nhàn rỗi của kho bạc, nguồn ODA và các nguồn viện trợ khác. Tuy nhiên, có rất nhiều khoản phải chi thường xuyên, ngân sách không thể kham nổi.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Để huy động nguồn vốn từ bên ngoài, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh khóa XIII cho rằng, quỹ đất đô thị trong quá trình đô thị hóa là con gà "đẻ trứng vàng" để thành phố huy động vốn đầu tư. Hơn nữa, TP Hồ Chí Minh có nhiều tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đang trong giai đoạn cổ phần hóa, thoái vốn mạnh mẽ.

Do vậy, chính quyền thành phố cần đề xuất Trung ương tháo gỡ những vướng mắc để tận dụng triệt để các nguồn lực này. Đồng tình với quan điểm trên, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần tận dụng sáng tạo các mô hình hợp tác công - tư như hợp đồng BT, đối tác công tư (PPP)... đồng thời cần có một công cụ huy động vốn riêng như mô hình của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) như vai trò của một định chế tài chính công.

Liên quan đến vấn đề huy động vốn từ quỹ nhà đất, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết UBND thành phố đã giao Chủ tịch UBND 24 quận, huyện phải chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, tham mưu cho UBND thành phố xử lý tài sản nhà và đất trên địa bàn. "Số tài sản nhà và đất này phải chuyển từ thuê qua bán hết. Ai đủ điều kiện thì bán chỉ định, còn nếu không đủ điều kiện thì bán đấu giá để tạo vốn. Đây là nguồn vốn rất lớn của thành phố để bổ sung vào tổng thể nguồn vốn cho 7 chương trình đột phá", ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng xác định giảm chi ngân sách tới mức tối đa cho các đơn vị sự nghiệp. Hiện thành phố đang triển khai xã hội hóa, trao cơ chế tự chủ tài chính trong lĩnh vực giáo dục và y tế, tiến tới mở rộng tự chủ tài chính tại nhiều đơn vị sự nghiệp khác.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, để bổ sung nguồn vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng cho 7 chương trình đột phá, phải huy động nguồn vốn xã hội một cách hiệu quả. Kết quả huy động nguồn vốn xã hội cao cũng thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đối với chính sách của thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Huy động nguồn vốn xã hội để tạo đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.