(HNM) - Năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh xác định tập trung các nguồn lực để hoàn thiện những công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ, nhằm tăng tốc hoàn thành mục tiêu Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông của thành phố. Những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án đang được thành phố nỗ lực tháo gỡ.
Những dự án dang dở
Một trong những nút giao thông thường xuyên quá tải lưu lượng xe gây ra ùn tắc giao thông kéo dài từ trước tới nay là nút giao Mỹ Thủy (cửa ngõ Cảng Cát Lái, quận 2). Dù nhiều hạng mục như cầu Kỳ Hà 3, hầm chui rẽ trái từ Vành đai 2 đi Cảng Cát Lái và cầu vượt trên Vành đai 2 đã đưa vào hoạt động, nhưng lượng phương tiện, phần lớn là xe container qua lại nút giao này tăng lên rất nhiều. Anh Nguyễn Văn Thế Hà thường xuyên lái xe container vận chuyển hàng hóa từ Cảng Cát Lái cho biết, trong những giờ cao điểm cuối tuần vẫn xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài hướng vào Cảng Cát Lái. "Chúng tôi mong nút giao Mỹ Thủy sớm hoàn thiện để chấm dứt tình trạng này", anh Hà chia sẻ.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc, hiện, dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy mới đạt khoảng 75% khối lượng của giai đoạn 1, trong đó, hai hạng mục dang dở là xây dựng nhánh bờ tả, bờ hữu rạch Mỹ Thủy đang gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Một dự án khác tiêu biểu cho việc trễ hẹn là tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Dự án có chiều dài gần 20km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Mặc dù, dự án được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 2007 và khởi công tháng 8-2012, dự kiến hoàn thành năm 2017, tuy nhiên, do có nhiều vấn đề phát sinh nên đến nay mới chỉ đạt hơn 70% tổng khối lượng công việc chung.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn một số công trình giao thông trọng điểm khác đang chậm tiến độ như: Nút giao thông An Sương; đường Vành đai 2; Bến xe Miền Đông mới… Khó khăn nổi lên là do nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các chính sách, quy định pháp luật về quản lý đầu tư, quản lý chi phí, hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư còn thiếu đồng bộ, có nhiều bất cập.
Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ
Để tháo gỡ những khó khăn đang đặt ra, đặc biệt là về vốn và công tác giải phóng mặt bằng, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, Sở đã đề xuất rà soát hiện trạng sử dụng đất và nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị quanh các trục giao thông chính, các tuyến đường sắt đô thị và nhà ga để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách từ khai thác hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị dọc các trục giao thông, các tuyến đường sắt đô thị. Đây là điều kiện để có nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm...
Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh thông tin, đối với dự án nút giao thông Mỹ Thủy, phạm vi giải phóng mặt bằng khoảng 5,8ha với gần 200 trường hợp bị ảnh hưởng. Hiện chính quyền quận 2 đang hoàn tất phương án bồi thường. Nếu trong năm 2020, UBND quận 2 hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thì toàn bộ dự án nút giao Mỹ Thủy sẽ xong trong năm 2021. Trong khi đó, theo thông tin từ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2, hiện tổng kinh phí cho công tác bồi thường đã tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng, gấp đôi so với kế hoạch trước đó đề ra. UBND quận 2 đã chuyển hồ sơ đến các sở, ngành liên quan có ý kiến để trình UBND thành phố xem xét và phê duyệt đơn giá bồi thường mới. Nếu thành phố duyệt đơn giá bồi thường mới sớm sẽ bố trí vốn để bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng nhằm đẩy nhanh thực hiện dự án.
Về dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho hay, sau khi UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án, bài toán về nguồn vốn đã cơ bản được giải quyết. Ban Quản lý và các nhà thầu đặt ra kế hoạch hoàn thành 85% khối lượng dự án trong năm 2020 để đưa toàn tuyến vào khai thác cuối năm 2021. “Dự kiến, tháng 6 tới sẽ đưa đầu máy, toa xe về lắp đặt và vận hành thử. Trong năm 2020, thành phố phấn đấu hoàn thành từng hạng mục của toàn tuyến”, ông Bùi Xuân Cường thông tin.
Trong năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến hoàn thành 28 dự án công trình giao thông có quy mô lớn, đồng thời đấu thầu khởi công 15 dự án. Khắc phục được những hạn chế hiện nay, chắc chắn các dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện hiệu quả chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.