(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19; riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch từ ngày 31-5. Hiện, thành phố đã lên kế hoạch chủ động giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa, bảo đảm nguồn hàng dự trữ dồi dào, ổn định nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Sức mua cao, hàng vẫn đủ
Tại các chợ và siêu thị trên địa bàn quận Gò Vấp, lượng hàng hóa tiêu dùng ghi nhận khá dồi dào, giá cả ổn định. Chị Bùi Ngọc Trang (ở phường 5, quận Gò Vấp) cho biết, tuy hạn chế đi lại nhưng gia đình chị không mua thực phẩm tích trữ nhiều. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, tiểu thương chợ Gò Vấp cũng thông tin, những ngày đầu tiên thực hiện giãn cách, một số người mua thịt lợn tại quầy của bà với số lượng nhiều hơn ngày bình thường. “Tôi nhắc khách, ngày nào cũng có thịt tươi nên không cần phải mua tích trữ. Lượng hàng luôn đủ theo nhu cầu”, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan nói.
Đối với hệ thống phân phối hiện đại, ghi nhận tại các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố như Co.opmart, Big C, Emart, VinMart… hàng hóa đều dồi dào. Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Quản lý ngành hàng tươi sống của Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) cho biết, trong ngày đầu giãn cách, tốc độ mua hàng tươi sống của người tiêu dùng tăng gấp 2, 3 lần so với ngày bình thường. Tuy vậy, siêu thị bảo đảm cung ứng hàng liên tục, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa.
Còn ông Trần Anh Duy Hải, Trưởng ngành hàng Vinmart Thảo Điền (thành phố Thủ Đức) cho hay, hệ thống siêu thị Vinmart đã tăng cường kết nối với các nhà cung cấp để tăng lượng hàng hóa nhằm bảo đảm không bị thiếu hụt cục bộ trước nhu cầu mua sắm tăng cao của người tiêu dùng. Trong thời điểm giãn cách xã hội, hệ thống siêu thị Vinmart bảo đảm đủ nguồn hàng để người dân sử dụng từ 3 đến 6 tháng.
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng
Bà Thái Thị Sen, Phó Trưởng phòng Kinh tế (UBND quận Gò Vấp) cho biết, trên địa bàn quận có 4 trung tâm thương mại, 6 chợ truyền thống, 7 siêu thị nên bảo đảm lượng hàng hóa cũng như cung ứng kịp thời trong trường hợp sức mua tăng cao hơn bình thường. Do đó, người dân nên sắp xếp thời gian đi mua hợp lý để thực hiện giãn cách.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ đầu tháng 5-2021, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu. Vì vậy, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile… bảo đảm cung cấp đều đặn hàng hóa với giá cả bình ổn trong tối thiểu 6 tháng với các mặt hàng thiết yếu như gạo, muối, đường, nước mắm, dầu ăn... và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như nước rửa tay, xà bông, khẩu trang…
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, hiện nhà bán lẻ này phải thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng cùng lúc, đó là bảo đảm nguồn hàng hóa, bảo đảm không gian mua sắm an toàn cho khách hàng và điều kiện làm việc an toàn cho người lao động. Hiện nguồn hàng tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang dồi dào, giá tốt và lưu thông tương đối thuận lợi nhờ sự chung tay của các nhà cung cấp và tạo điều kiện của cơ quan chức năng.
Có được sự chủ động này là bởi ngay từ đầu năm 2021, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị kịch bản cung ứng hàng hóa phục vụ người dân. Cụ thể, từ ngày 1-4-2021 đến 31-3-2022, 35 doanh nghiệp tham gia bình ổn mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được giao cung ứng ra thị trường 2.564 tấn lương thực, thực phẩm/tháng, gồm gạo và các sản phẩm từ gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị; giai đoạn ứng phó khẩn cấp với dịch Covid-19 là 2.941 tấn lương thực, thực phẩm/tháng.
Tùy từng nhóm hàng, các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ chiếm 25-50% thị phần toàn thành phố. Các doanh nghiệp này phải bảo đảm nguồn hàng hóa cung ứng liên tục, không để gián đoạn, đặc biệt trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp. Về giá cả, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu bảo đảm thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng loại ít nhất 5-10%.
“Sở Công Thương đã kích hoạt kế hoạch trên và triển khai tới tất cả các doanh nghiệp, nhà phân phối trong chương trình. Sở cũng đã rà soát, nắm tình hình cung ứng hàng hóa tại các hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, Sở cũng kiểm tra nguồn cung nguyên vật liệu, kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp nhằm duy trì xuyên suốt chuỗi sản xuất và phân phối hàng hóa tiêu dùng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.