Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh giảm dần số bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19

Thu Hoài| 09/10/2021 20:47

(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua đỉnh dịch Covid-19 và đang trên lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, chung sống an toàn với dịch bệnh. Ngành Y tế thành phố cũng từng bước cơ cấu lại hệ thống y tế, trong đó có 16 bệnh viện dã chiến cấp thành phố và 15 bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện để vừa chăm sóc sức khỏe nhân dân, vừa ứng phó kịp thời với những diễn biến mới của dịch Covid-19.

Trong cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, các bệnh viện dã chiến phần lớn được thiết lập tại các khu chung cư, trường học… đã đóng góp rất nhiều vào thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Lần lượt dừng các bệnh viện dã chiến cấp thành phố

Từ đầu tháng 7-2021 đến nay, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh, thành phố Hồ Chí Minh đã trưng dụng các khu nhà tái định cư của thành phố, các ký túc xá của trường đại học, cao đẳng để thành lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường, nhiệm vụ chính là thu dung điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, hiện còn điều trị khoảng hơn 9.000 trường hợp F0.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, để chuẩn bị cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng bắt đầu trở lại học tập cũng như đưa những khu nhà tái định cư đi vào cuộc sống phục vụ người dân, ngành Y tế thành phố đã xây dựng lộ trình ngừng hoạt động đối với các bệnh viện dã chiến thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ.

Lịch trình dự kiến dừng hoạt động các bệnh viện dã chiến tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, các bệnh viện dã chiến thành phố lần lượt sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12-2021. Riêng các bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) sẽ là những bệnh viện ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12-2021. Đây là những bệnh viện đã được đầu tư hệ thống ô xy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 nặng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện thành phố trong thời gian qua, sẽ tiếp tục hoạt động để các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động theo lộ trình.

“Ngoài ra, bệnh viện dã chiến số 5 cũng trong danh sách bệnh viện dã chiến ngừng hoạt động sau cùng do yêu cầu hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện trong khu vực trung tâm thành phố (Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình). Các bệnh viện dã chiến có cơ sở độc lập được xây mới sẽ được ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh tiếp quản từ lực lượng y tế Trung ương, phục vụ phòng, chống dịch Covid-19”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.

Các bệnh viện dã chiến có cơ sở vật chất được xây mới sẽ được lực lượng Trung ương chuyển giao cho ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Củng cố bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện

Cùng với hệ thống 16 bệnh viện dã chiến cấp thành phố, trong cao điểm dịch Covid-19, các quận, huyện, thành phố của thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập 15 bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị các ca F0 trên địa bàn, quy mô khoảng 7.000 giường.

Theo kế hoạch chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới, sống chung an toàn với dịch Covid-19, tất cả các quận, huyện, thành phố của thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô từ 300 đến 500 giường/bệnh viện, trong đó có 30 đến 50 giường ô xy do bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện thành phố trên cùng địa bàn đảm trách (không sử dụng trường học làm bệnh viện).

 Mỗi quận, huyện, thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh sẽ duy trì bệnh viện dã chiến trực thuộc để phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Điển hình như tại quận 7, địa phương đầu tiên thiết lập Bệnh viện dã chiến số 1 để chủ động thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở cả 3 tầng điều trị trên địa bàn và các địa phương lân cận. Việc làm mang tính “đột phá” này đã giúp quận giảm nhanh số ca nặng, giảm số ca tử vong và là địa phương cấp quận đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh khống chế được dịch Covid-19.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết: “Quận đã hoàn tất việc chuyển đổi công năng của Bệnh viện quận 7 trở lại tiếp nhận, điều trị bệnh thông thường để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Quận tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn duy trì hoạt động của bệnh viện dã chiến số 1, sẵn sàng đáp ứng các cấp độ phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

 Bệnh viện dã chiến Phước Lộc được cải tạo từ khu nhà xưởng của Bộ Công an sẽ được giữ lại làm cơ sở điều trị Covid-19 của huyện Nhà Bè.

Còn tại huyện Nhà Bè, ngay sau khi đạt tiêu chí là địa phương khống chế được dịch Covid-19 vào đầu tháng 10-2021, UBND huyện Nhà Bè đã triển khai kế hoạch tái cấu trúc và chuyển đổi công năng trở lại một bệnh viện đa khoa để khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, thu gọn và sắp xếp lại các khu cách ly tập trung theo mô hình bệnh viện dã chiến của huyện. Cụ thể, Bệnh viện dã chiến Phước Lộc (bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 thuộc tầng 3 trong tháp điều trị, Bộ Công an) sẽ hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 nặng từ Bệnh viện Nhà Bè chuyển đến.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh giảm dần số bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.